Giảm đầu vào, hỗ trợ lãi suất đầu ra
NHNN hút ròng trở lại, lãi suất liên ngân hàng giảm | |
Lãi suất “đầu vào” hạ, nhưng chưa đủ để giảm lãi cho vay | |
SeABank cho vay mua ô tô với lãi suất hấp dẫn |
Mới đây, Nam A Bank cũng cho biết đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi VND xuống 0,1%/năm đối với kỳ hạn từ 6 - 8 tháng còn 6,5%. Từ 9 tháng trở lên thì ngân hàng áp dụng giảm 0,2%/năm. Trước đó, VIB tính đến thời điểm này đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Cụ thể, giảm từ 0,3-0,5% cho các kỳ hạn 1-3 và giảm 0,2-0,4 % cho các kỳ hạn trên 6 tháng. VPBank cũng áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới từ 30/3, điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Đó là giảm 0,2% ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 12-36 tháng, giảm 0,3% ở kỳ hạn 6-7 tháng và giảm 0,4% kỳ hạn 8-11 tháng… Ở khối NHTM nhà nước, mức lãi suất huy động được điều chỉnh giảm khá sâu. Tại VietinBank, trần lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng hiện chỉ còn 4,8%, giảm tới 0,5% so với trước đây…
Các ngân hàng đều đồng loạt giảm lãi suất huy động trung bình từ 0,1 - 0,3%/năm so với cách đây 1 tháng |
Nhìn chung, các ngân hàng đều đồng loạt giảm lãi suất huy động trung bình từ 0,1 - 0,3%/năm so với cách đây 1 tháng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo các NHTM, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động thời điểm này vì nhiều lý do. Trong đó, yếu tố quan trọng là từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị hệ thống ngân hàng tính toán giảm lãi suất cho vay và giảm đồng loạt. Cũng như NHNN đã có chỉ đạo toàn hệ thống triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018. Cụ thể là xem xét giảm lãi suất cho vay là một nội dung trọng tâm.
Về lý thuyết, việc áp dụng giảm lãi suất thì người gửi tiền chịu thiệt nhưng thực tế các ngân hàng cho biết vẫn đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền ở phần quà tặng, khuyến mãi lãi suất hoặc bù lãi suất khi gửi ở hình thức khác như online, mua chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao…
Cụ thể, nói về quyền lợi của người gửi tiền, một phó Tổng giám đốc NHTMCP cho rằng người gửi tiền không nên quá lo lắng mà chọn kênh đầu tư mới. Bởi trong những tháng tới, lãi suất đầu vào cơ bản sẽ ổn định, mặc dù cũng có thời điểm xảy ra biến động nhưng không tác động nhiều đến việc tăng hay giảm lãi suất. Hơn nữa, các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động vốn không phải là xu thế dài hạn hoặc cả năm mà chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định. Theo đó, về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay tăng khá rõ, cùng với đó các kênh khác như: vàng, bất động sản đã và đang trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.
“Việc giảm lãi suất hiện nay chỉ mang tính thời điểm và làm nền tảng cho việc giảm lãi suất đầu ra. Đó là lý do vì sao, các ngân hàng dù điều chỉnh giảm lãi suất huy động nhưng tăng khuyến mãi, tăng lợi ích kèm theo cho người gửi tiền trong bối cảnh hiện nay”, vị Phó tổng giám đốc trên chia sẻ.
Quả vậy, thực tế là có vài ngân hàng đã có cơ sở để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo nhiều gói vốn khác nhau. Đơn cử, Nam A Bank đã triển khai Gói tín dụng 2.500 tỷ đồng ưu đãi lãi vay chỉ từ 6,88%/năm (VND) và 2,88%/năm (USD), thời hạn vay tối đa 6 tháng nhằm hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu chủ động nguồn vốn, phát triển hoạt động kinh doanh. Với gói tín dụng này, Nam A Bank mong muốn tạo điều kiện để các DN tiếp cận vốn vay và bổ sung tài chính cho các kế hoạch phát triển xuất nhập khẩu.
Hay như SCB, từ đầu tháng 4, ngân hàng này đang triển khai gói tài khoản S-pro. Theo đó, các DN là khách hàng mới hoặc khách hàng hiện hữu khi tham gia sản phẩm trên sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể DN mới mở tài khoản thanh toán và sử dụng trọn gói bốn dịch vụ này tại SCB sẽ nhận thêm ưu đãi như tặng 0,3% một năm lãi suất tiền gửi VND với kỳ hạn một tháng trở lên, giảm 0,3% một năm lãi suất cho vay trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân…
Như vậy, việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất đầu vào không chỉ thể hiện được việc đảm bảo thanh khoản ổn định, mà còn thực hiện được nhiều mục tiêu như đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đến hết quý đầu năm tăng 3% so với cuối năm 2017, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái 2,6%. Như vậy, với tình hình thanh khoản dồi dào trong khi hoạt động cho vay đã bớt tăng thì việc các NHTM giảm lãi suất huy động là để giảm bớt chi phí lãi đầu vào, bước vào tiến trình điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong khi ngân hàng vẫn đảm bảo khả năng sinh lời… |