Giảm lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế
Giảm lãi suất là quyết định tích cực và hợp lý | |
Giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn |
Lãi suất giảm sẽ tạo điều kiện để DN mở rộng sản xuất kinh doanh |
Doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn
Cuối giờ chiều ngày 18/11, NHNN đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của tổ chức, cá nhân tại các TCTD. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng được giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Tương tự, mức lãi suất tối đa của tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các QTDND, tổ chức tài chính vi mô sẽ giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng trở lên, NHNN vẫn cho phép các TCTD tự do niêm yết lãi suất tiền gửi trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Đi kèm theo quyết định giảm lãi suất tiền gửi, NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của QTDND và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm. Các quyết định trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 19/11.
Theo các chuyên gia ngân hàng, các quyết định trên của NHNN là bước đi hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường hiện nay. Đặc biệt, việc giảm lãi suất thời điểm này rất có ý nghĩa, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ hơn, mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phục vụ cho Tết Nguyên đán sắp tới, tác động tích cực tăng trưởng kinh tế năm nay và cả năm sau.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia có hai lý do chính để NHNN đưa ra các quyết định trên. Một là, để hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm cũng như năm 2020. Hai là, bối cảnh hiện tại tương đối thuận lợi và hợp lý để thực hiện giảm lãi suất. Cùng với việc mặt bằng lãi suất trên thế giới có xu hướng giảm nhẹ, lạm phát trong nước được dự báo ở mức thấp, khoảng 3%; trong khi thanh khoản của các ngân hàng hiện tại đang khá dồi dào.
Ngay sau động thái điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tuyên bố giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay cả ngắn hạn, trung dài hạn đối với tất cả các DN hiện đang còn dư nợ tại Vietcombank từ 1/11 – 31/12/2019. Đây là lần giảm lãi suất thứ ba của ngân hàng này và rộng nhất từ trước tới nay khi áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thay vì chỉ áp dụng với các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên như hai lần trước. Như vậy, đến nay lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank chỉ là 5,0%/năm, thấp hơn quy định của NHNN tới 1,0%/năm.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết lý do ngân hàng này mạnh tay giảm lãi suất hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN như Thống đốc đã báo cáo trước Quốc hội: phấn đấu đến năm 2020 giảm mặt bằng lãi suất tiền vay 0,5%, đồng thời nhằm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. “Động thái này của ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh. Hiện tại, dư địa tín dụng của ngân hàng từ nay đến cuối năm còn 5%”, ông Thành nhấn mạnh.
VietinBank là cái tên tiếp theo trong khối NHTM Nhà nước công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
“Ngân hàng luôn dành những hỗ trợ đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, NHNN thông qua đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh thông thường nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đại diện VietinBank chia sẻ thêm.
Không chỉ các NHTM Nhà nước, các NHTMCP cũng nhanh chóng gia nhập cuộc đua giảm lãi suất hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất của NHNN. MSB là ngân hàng cổ phần đầu tiên công bố giảm lên đến 2% áp dụng cho các khách hàng mới và giảm 1% cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện. Mức lãi suất ưu đãi áp dụng cho cả nhu cầu vay ngắn hạn, trung dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển… ACB giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Ngân hàng này giảm 0,2%/năm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với kỳ hạn dài và đẩy mạnh cho vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm.
Giảm lãi chia sẻ với doanh nghiệp
Vậy việc giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn có ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi của các nhà băng? Theo nhận xét của TS. Cấn Văn Lực tác động là có nhưng không nhiều, vì hiện tại đa số khách hàng gửi tiết kiệm chọn kỳ hạn từ trên 6 tháng đến 1 năm, còn kỳ hạn dưới 6 tháng không nhiều. Điểm tích cực nữa từ quyết định này là có thể sẽ khuyến khích khách hàng chọn các kỳ hạn dài hơn để gửi tiền. Qua đó, giúp ngân hàng có nguồn vốn trung dài hạn nhiều hơn, đáp ứng đòi hỏi từ quy định ngày càng chặt chẽ của NHNN về tỷ lệ sử dụng vốn trung dài hạn cũng như nhu cầu từ nền kinh tế.
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 19/11 tại một chi nhánh ngân hàng trên phố Trần Hưng Đạo, một khách hàng tên Thu Hương đến ngân hàng đáo hạn sổ tiết kiệm 5 tháng. Sau khi được nhân viên thông báo kể từ ngày 19/11, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 5%/năm, trong khi các kỳ hạn dài hơn vẫn đang được giữ nguyên, chị Hương đã quyết định gửi lại tiết kiệm ở kỳ hạn 9 tháng.
Việc giảm lãi suất huy động chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực đối tượng giảm có chọn lọc chứ không đại trà và xu hướng lãi suất này tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn nhất là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 6%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên. Điều này tác động phần nào đến NIM của hệ thống ngân hàng vốn đang khá là thấp, chỉ ở mức 2,7% so với mức 3 – 3,2% của khu vực.
Ông Nghiêm Xuân Thành cũng thừa nhận, việc giảm lãi suất lần này sẽ có tác động trực tiếp tới trên 320.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank. Theo tính toán của ông Thành, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm 260 - 300 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này quả quyết, kết quả lợi nhuận năm đã đề ra vẫn không bị ảnh hưởng vì Vietcombank sẽ nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí trích lập dự phòng và giảm thiểu chi phí hoạt động.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, mặc dù điều chỉnh giảm lãi suất có thể tác động phần nào đến lợi nhuận ngân hàng nhưng trong bối cảnh hiện nay động thái này là phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, thời gian qua, với các lĩnh vực ưu tiên, phía ngân hàng cũng thường xuyên có các chương trình giảm cả phí và lãi suất.
Việc giảm lãi suất này không chỉ nhằm thực hiện định hướng của Chính phủ mà còn vì bản thân các ngân hàng cũng phải cạnh tranh với nhau để thu hút khách hàng trong các lĩnh vực trọng tâm này. Đây là những hành động kịp thời, thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của các ngân hàng trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nỗ lực vì mục tiêu chung phát triển kinh tế của đất nước.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ vui mừng trước quyết định giảm lãi suất của NHNN cũng như từ các NHTM. Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam Nguyễn Kim Hùng phấn khởi cho biết, doanh nghiệp sẽ xem xét để mở rộng sản xuất kinh doanh tùy theo mức ưu đãi lãi suất của ngân hàng. Đặc biệt, nếu cắt giảm kéo dài trong dài hạn thì doanh nghiệp ưu tiên mở rộng đầu tư chế biến sâu các hoạt động sản phẩm.