Sẵn sàng vốn cho tái canh cây cà phê
TS. Nguyễn Ngọc Tuấn |
Đăk Nông là một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê khá lớn ở Tây Nguyên. Hiện diện tích cà phê trên 30 năm khai thác của tỉnh là 568 ha; cà phê trên 25 năm 1.969ha, trên 20 năm 5.568ha và trên 15 năm 16.553ha. Dự kiến từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh Đăk Nông có khoảng 24.658 ha cà phê cần tái canh.
Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Trong đó, cái khó nhất đối với công tác tái canh cây cà phê vẫn là vốn đầu tư cho vườn cây. Để hỗ trợ nông dân, thực hiện chủ trương của Thống đốc NHNN và Thủ tướng Chính phủ, Agribank đã dành gói tín dụng hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư cho chương trình.
Vậy việc triển khai gói tín dụng này tại Đăk Nông như thế nào, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Agribank Đăk Nông xung quanh vấn đề đầu tư vốn cho bà con nông dân thực hiện chương trình tái canh cây cà phê.
Chương trình tín dụng tái canh cây cà phê được triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, thưa ông?
Tái canh cây cà phê là chương trình được Chính phủ và NHNN quan tâm, chỉ đạo. Đến nay, các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc Agribank Đăk Nông đã phối hợp với UBND xã, phường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện/thị xã khảo sát diện tích cà phê cần tái canh và nhu cầu vốn đến từng hộ dân và DN; đưa ra quy trình cho vay phù hợp với từng địa bàn cụ thể.
Agribank Đăk Nông đã xây dựng một số dự án mẫu về tái canh, cải tạo giống cây cà phê như tái canh cây cà phê bằng phương pháp ghép chồi, trồng bằng cây cà phê vối ghép, trồng bằng cà phê vối thực sinh…
Về quy hoạch vùng, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo tái canh cây cà phê tỉnh Đăk Nông, thì đến thời điểm này, ngành nông nghiệp địa phương đã làm quy hoạch về việc phát triển cây cà phê nhưng đang cần sự đóng góp của các cấp, ngành. Dự kiến, đến cuối năm 2015, ngành sẽ công bố quy hoạch chi tiết.
Có thể nói, diện tích tái canh cà phê hầu hết đều nằm trong vùng diện tích quy hoạch cây cà phê của tỉnh Đăk Nông. Vì thế, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các xã dựa trên quy hoạch sơ bộ của địa phương để xác nhận diện tích tái canh cho người dân, thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tái canh cây cà phê.
Người trồng cà phê trên địa bàn đang quan tâm là làm thế nào để tiếp cận nguồn vốn vay, mức hỗ trợ lãi suất, thời hạn vay?
Agribank Đăk Nông cung ứng vốn theo nhu cầu của các DN, hộ nông dân, cá nhân, chủ trang trại trồng và chăm sóc cà phê. Còn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nông nghiệp như thu mua, chế biến, xuất khẩu, vật tư phục vụ cho sản xuất… với cơ chế lãi suất ưu đãi.
Thứ nhất, lãi suất cho vay ưu tiên và giảm 1,5 – 2% so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Thứ hai, căn cứ vào định mức đầu tư, định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, ngân hàng cho vay đến 70% nhu cầu vốn trong tổng mức đầu tư tái canh 1ha cà phê. Hiện nay định mức này là 150 triệu đồng/ha. Có trường hợp người dân đầu tư theo công nghệ cao, tưới tự động, giống và quy trình chăm sóc hiện đại, cây che bóng mát… sẽ được vay 80% nhu cầu vốn.
Thứ ba, Agribank linh hoạt trong bảo đảm tiền vay, ngoài những hộ nông dân vay đến 50 triệu đồng không phải thế chấp tài sản như Nghị định 41 trước đây và Nghị định 55 của Chính phủ hiện nay. Những hộ có mức vay cao hơn mà đã thế chấp hết tài sản vẫn chưa đủ thì được xem xét tính thêm cả giá trị cây trồng trên đất, giá trị vườn cây hình thành từ vốn vay ngân hàng.
Trường hợp cá biệt, ngân hàng có thể cho vay một phần không có tài sản đảm bảo. Thời gian giải ngân chỉ 2,5 ngày. Thời gian vay tối thiểu 7 năm, 3 năm đầu được ân hạn khách hàng chưa trả gốc.
Diện tích cây cà phê cần tái canh rất lớn, Agribank Đăk Nông có đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho chương trình tái canh cà phê trên địa bàn?
Thời gian qua, để giải ngân vốn kịp thời cho người dân thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, các xã phải dựa trên quy hoạch sơ bộ của ngành nông nghiệp, từ đó, chúng tôi so sánh, đối chiếu diện tích cụ thể ở địa phương. Sau khi rà soát, đối với những hộ nằm trong diện tích quy hoạch, xã phải xác nhận để ngân hàng có cơ sở pháp lý cho vay. Công tác cho vay và giải ngân cho các hộ vay tương đối thuận lợi.
Agribank Đăk Nông cam kết đồng hành với chương trình tái canh cây cà phê và bà con nông dân trên địa bàn. Ngân hàng sẽ cung ứng đủ vốn và kịp thời theo nhu cầu của khách hàng, không để tình trạng thiếu vốn xảy ra. Chi nhánh đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn dài hạn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho vay tái canh cây cà phê; đảm bảo đáp ứng đủ cho tất cả DN, hộ nông dân và cá nhân vay vốn. Đến nay, chi nhánh đã giải ngân cho các hộ nông dân thực hiện tái canh cây cà phê với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp cần sớm công bố quy hoạch vùng để tạo thuận lợi cho ngân hàng trong việc giải ngân vốn cho người dân |
Giải pháp nào để ngân hàng đảm bảo thu hồi vốn đúng kế hoạch?
Agribank Đăk Nông khuyến khích DN, hộ nông dân làm tái canh cà phê theo cách cuốn chiếu, vừa hiệu quả, vừa an toàn, phù hợp với khả năng và giữ được sản lượng ổn định, đảm bảo thu nhập hàng năm. Cùng với đó, Chi nhánh bám sát các chủ trương của nhà nước, chủ động tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà khoa học, nhà đầu tư, DN và hộ nông dân để mang lại hiệu quả trong việc đầu tư vốn.
Chương trình tái canh cây cà phê đã được thẩm định, tính toán về mặt hiệu quả kinh tế - xã hội. Do đó UBND tỉnh Đăk Nông đã thành lập Ban chỉ đạo về tái canh cà phê, đồng thời chỉ đạo phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn xuyên suốt, làm đúng theo quy trình, quy định. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía nên chắc chắn vốn ngân hàng được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả sử dụng vốn cao, khả năng trả nợ của khách hàng không phải là vấn đề lớn…
Thực tế, diện tích cà phê cần tái canh rất lớn, trong khi các bên liên quan thời gian qua chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Do vậy, tôi cho rằng để đẩy nhanh tiến độ, cũng như hiệu quả chương trình tái canh cây cà phê, về phía ngành nông nghiệp cần sớm công bố quy hoạch vùng để tạo thuận lợi cho ngân hàng trong việc giải ngân vốn cho người dân. Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường hỗ trợ nông dân tuân thủ các quy trình, kỹ thuật trong tái canh cà phê để hạn chế rủi ro và nâng cao năng suất cây trồng.
Theo tôi, đây là chủ trương quan trọng của Chính phủ và NHNN có tầm ảnh hưởng đến nhiều hộ nông dân và DN. Do đó cần có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp, nhà khoa học, khuyến nông… để hỗ trợ người trồng cà phê đạt hiệu quả cao nhất. Có như thế thì đồng vốn đầu tư của ngân hàng mới phát huy hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!