Giữa khó khăn, Sacombank khẳng định vị thế “ông lớn”
Him Lam rời LienVietPostBank một cách trách nhiệm | |
Sacombank quyết chiến mảng bán lẻ | |
Sacombank lộ diện danh sách ứng viên ngồi ghế nóng |
Suốt thời gian 20 tháng sau sáp nhập, Sacombank liên tục trở thành tâm điểm của không ít đồn đoán cả về nhân sự cũng như tình hình hoạt động kinh doanh và tương lai phát triển lâu dài. Trong đó, phần lớn các thông tin đều không tích cực.
Lợi nhuận dương trong năm đầu tiên sau sáp nhập là chưa có tiền lệ
Trong bối cảnh nền kinh tế chung của Việt Nam lẫn thế giới còn nhiều thách thức, kết quả kinh doanh năm 2016 của Sacombank, là năm đầu tiên sau sáp nhập, đạt lợi nhuận dương 156 tỷ đồng là chưa có tiền lệ. Tuy không phải là một con số ấn tượng nhưng trong khi những ngân hàng sáp nhập trước đó hầu như không có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận âm trong năm đầu tiên thì đây là những nỗ lực tích cực của Sacombank, thể hiện nền tảng bền vững và những giá trị cốt lõi của ngân hàng đã được phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, tổng tài sản của Sacombank tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt trên 330.000 tỷ đồng (tăng 13,7% so với đầu năm). Tuy nhiên, do ảnh hưởng yếu tố sáp nhập, tỷ trọng khoản phải thu tăng nhanh. Sacombank đã và đang tiếp tục tái cơ cấu danh mục tài sản, tập trung thu hồi những khoản nợ tồn đọng và kết quả khoản phải thu đã giảm được 1,7% tỷ trọng so với đầu năm. Tiền gửi Ngân hàng Nhà nước tăng 17,7%, chiếm tỷ trọng 2,4% đảm bảo tuân thủ quy định về dự trữ bắt buộc.
Vốn tự có đạt 19.120 tỷ đồng với vốn cấp 1 đạt 16.632 tỷ đồng, vốn cấp 2 đạt 2.488 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 21.752 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm, trong đó, vốn điều lệ đạt 18.852 tỷ đồng. Như vậy, Sacombank vẫn nằm trong số 5 ngân hàng thương mại có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam.
Không chỉ có thế mạnh về tổng tài sản, Sacombank còn có ưu thế vượt trội về mạng lưới. Năm 2016, ngân hàng cơ bản đã hoàn tất giai đoạn 1 của chương trình tái cấu trúc mạng lưới, trong đó tập trung hoàn thành chuyển quyền quản lý các điểm giao có địa bàn chồng chéo, thực hiện di dời các điểm giao dịch có vị trí gần nhau đến các địa bàn tiềm năng hơn để phát triển và mở rộng thị trường. Trong năm cũng đã thành lập mới 1 Chi nhánh và nâng cấp 1 Quầy giao dịch lên thành Chi nhánh tại Lào.
Tính đến ngày 31/12/2016, toàn hệ thống có 564 điểm giao dịch, trong đó Việt Nam có 552 điểm giao dịch, Campuchia có 8 điểm giao dịch (1 ngân hàng con và 7 chi nhánh) và Lào có 4 điểm giao dịch (1 ngân hàng con, 2 chi nhánh và 1 quầy giao dịch). Ngoài ra, Sacombank còn có 4 Công ty con hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như quản lý nợ và khai thác tài sản, cho thuê tài chính, kiều hối và vàng bạc đá quý.
Sắp tới, theo Đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt vào ngày 22/5/2017, Sacombank sẽ được mở 14 chi nhánh ở phía Bắc trên cơ sở chuyển đổi giấy phép của các chi nhánh hiện có và thành lập 14 phòng giao dịch trên cơ sở các chi nhánh đã chuyển giấy phép để tiếp tục phục vụ khách hàng tại địa bàn.
Hàng triệu khách hàng tin tưởng, thu dịch vụ tăng mạnh
Nhờ ưu thế trên, Sacombank đã không ngừng mở rộng sản phẩm dịch vụ và tiếp cận khách hàng. Năm 2016, lượng khách hàng dùng thẻ của Sacombank tăng hơn 620.000 người. Số lượng khách hàng hiện hữu hơn 3,3 triệu người, tăng 22,8% so với đầu năm. Mạng lưới ATM và POS tiếp tục được mở rộng với doanh số giao dịch tăng vượt bậc. Số lượng ATM đạt 949 máy, tăng 14 máy với doanh số đạt 151.971 tỷ đồng, tăng 32,4% so với năm 2015. Số lượng máy POS đạt 6.965 máy, tăng 1.079 máy với doanh số đạt 9.075 tỷ đồng, tăng 58,9%. Nhờ đó, thu dịch vụ thẻ đóng vai trò ngày càng lớn, khi tỷ trọng thu dịch vụ thẻ tăng 2,5% so với năm 2015, đạt 395 tỷ đồng, tăng 28,5% (110,2% KH). Lợi nhuận mảng thẻ đạt 427 tỷ đồng, tăng 39,4% so với năm 2015, đạt 113,2% kế hoạch năm.
Tương tự, về ngân hàng điện tử, tổng số lượng khách hàng có giao dịch thanh toán thường xuyên đạt gần 764.000, tăng 45,9% so với đầu năm. Trong đó có hơn 1,5 triệu lượt ủy thác thanh toán hóa đơn thành công. Kết quả là thu dịch vụ ngân hàng điện tử đạt gần 171 tỷ đồng, tăng 46,8% so với năm 2015, đạt 122,7% kế hoạch.
Trong năm 2016, Sacombank đã chuyển đổi số dư nợ xấu thành trái phiếu VAMC khá lớn. Nhờ tiếp tục đẩy mạnh cho vay các món mới gắn liền với chất lượng tín dụng, đơn giản hóa thủ tục, số dư cho vay khách hàng tăng ổn định so với năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 232.157 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Cho vay khách hàng đạt 193.098 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm.
Về nguồn vốn, Sacombank đã kéo giảm thành công lãi suất tại các đơn vị mới sáp nhập xuống ngang bằng với mặt bằng lãi suất chung (từ 6,15% xuống 5,77%), tiếp tục tăng trưởng bền vững nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản. Tính đến ngày 31/12/2016, tổng nguồn vốn huy động toàn ngân hàng đạt 302.806 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm (đạt 124,9% kế hoạch). Trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 289.457 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 95,6% tổng nguồn huy động.
Với những kết quả đạt được trên, không khó hiểu khi Sacombank được giới đầu tư đánh giá cao, bằng chứng là nếu giá cổ phiếu STB trên thị trường vào đầu tháng 6/2016 ở mức 11.000 đồng thì hiện nay đã vượt mức 14.000 đồng, tăng hơn 27%.