Giúp nông dân làm giàu
Ông Trần Đình Chánh |
Từ nguồn vốn của Agribank Đăk Lăk, hàng ngàn nông hộ trên địa bàn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Để rõ hơn vai trò cũng như những đóng góp của Agribank Đăk Lăk trong việc góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Agribank Đăk Lăk về hiệu quả của việc đầu tư vốn, hỗ trợ người dân làm giàu từ đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Cho vay hộ là một trong những thế mạnh của Agribank Đăk Lăk, vậy thời gian qua, chi nhánh có chiến lược gì trong việc đầu tư vốn cho hộ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, thưa ông?
Trước hết phải xác định rõ rằng, Đăk Lăk có lợi thế về phát triển nông nghiệp; trong đó mạnh nhất là các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa nước…
Đây là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị và là thế mạnh của Đăk Lăk. Theo mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đăk Lăk đến năm 2020, thì Đăk Lăk phấn đấu đạt tăng trưởng GDP bình quân ngành nông, lâm, thủy sản 4,96%/năm, giai đoạn 2016-2020; cơ cấu GDP theo giá hiện hành 38,9%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5% vào năm 2020...
Trên cơ sở đó, Agribank Đăk Lăk xác định đầu tư vốn cho sản xuất nông nghiệp là mục tiêu trọng yếu, phải nỗ lực cung ứng đủ vốn vay cho DN và bà con nông dân thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại.
Cùng đó, chi nhánh chú trọng công tác điều hành kinh doanh, bám sát chỉ tiêu kế hoạch và chấp hành các quy định, cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN. Vì thế, Agribank Đăk Lăk luôn đặt ra những mục tiêu để đẩy mạnh việc đầu tư vốn cho nông hộ phát triển sản xuất.
Mặc dù, gần đây trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, song Agribank Đăk Lăk vẫn duy trì mục tiêu chiến lược là tập trung vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nhờ đó, kinh tế địa phương vẫn giữ vững mức tăng trưởng khả quan.
Năm 2015, Đăk Lăk có tốc độ tăng trưởng kinh tế 9% so với giá so sánh năm 2010; thu nhập bình quân đầu người 32,7 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 650 triệu USD. Trong đó, sản lượng lương thực gần 1,21 triệu tấn, đạt 104% kế hoạch; giải quyết việc làm cho khoảng 27 nghìn người, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%...
Để có được những kết quả đó, chính là nhờ sự đầu tư tín dụng đúng hướng của Agribank Đăk Lăk, trong đó, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân; nhất là đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đặc biệt, Agribank Đăk Lăk đã đề ra nhiều giải pháp, mà căn cơ nhất vẫn là đầu tư vốn đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển sản xuất ổn định như đầu tư vốn để nông dân trồng chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu.
Với những giải pháp thiết thực, Agribank Đăk Lăk luôn phát huy vai trò của mình trong công tác hỗ trợ vốn, giúp đỡ nông dân trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, đem lại hiệu quả cao, tạo được niềm tin nơi bà con nông dân trên địa bàn.
Agribank Đăk Lăk tập trung đầu tư vốn để tạo mọi điều kiện cho DN và nông hộ phát triển cây cà phê bền vững |
Xin ông nói cụ thể hơn về hiệu quả của việc đầu tư vốn cho hộ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những hộ sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng?
Đối với hoạt động chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn huy động và đầu tư tín dụng, hướng đến thị trường nông thôn, trong năm qua, chi nhánh đẩy mạnh công tác huy động vốn từ dân cư, kết hợp nguồn vốn vay khác để cân đối đủ vốn cung ứng cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Phát huy vai trò chủ lực cung ứng vốn cho khu vực tam nông, chi nhánh tích cực triển khai nhiều chủ trương, chính sách của ngành nhằm đưa các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vào cuộc sống. Đến nay, chi nhánh có dư nợ khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay tam nông khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm trên 91% tổng dư nợ cho vay; với hơn 72.000 hộ gia đình, cá nhân được vay vốn.
Cơ cấu dư nợ tiếp tục được bố trí hợp lý, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Trong đó, ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, dư nợ cho vay hộ sản xuất chiếm rất cao trong tổng dư nợ.
Điều đó cho thấy, một lượng lớn tín dụng chảy vào khu vực cho vay hộ nông dân, giúp nông dân làm giàu chính đáng. Cùng từ nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân từ chỗ trước đây thiếu ăn, song đến nay đã trở thành những tỷ phú “chân đất”, sở hữu hàng chục ha cà phê, hồ tiêu… Từ đây, đã nổi lên nhiều điển hình trong việc đầu tư phát triển kinh tế hộ.
Agribank Đăk Lăk có những giải pháp gì để hỗ trợ các hộ nông dân trồng các loại cây công nghiệp dài ngày trong thời gian tới?
Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đăk Lăk xác định cây cà phê, cao su, ngô lai, bò sữa, nuôi cá nước lạnh là các sản phẩm chủ lực của địa phương để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Vì vậy, Agribank Đăk Lăk tập trung đầu tư vốn để tạo mọi điều kiện cho DN và nông hộ phát triển cây cà phê bền vững.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư tín dụng cũng phải dựa trên cơ sở định hướng của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp là chuyển đổi cây trồng, giảm diện tích cà phê từ xấp xỉ 200.000 ha hiện nay xuống 163.000 ha vào năm 2020.
Hiện nay, tổng diện tích cà phê của Đăk Lăk vượt trên 203.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 190.208 ha, sản lượng khoảng 462.433 tấn. Nông dân các địa phương trong tỉnh Đăk Lăk đang tập trung thâm canh, sản xuất cà phê theo hướng bền vững, không mở rộng thêm diện tích, thực hiện tái canh cà phê theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt.
Đã có 11 huyện, thị xã, thành phố (Krông Ana, Krông Pak, Krông Buk, Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea Kar, Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột) thực hiện tái canh được gần 2.300ha.
Trong đó, diện tích tái canh của nông hộ trên 2.123 ha và diện tích tái canh của các DN cà phê trên 170ha. Điều đáng chú ý là người trồng cà phê bắt đầu hướng tới sản xuất cà phê có chứng nhận để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị cho hạt cà phê bằng cách liên kết nông hộ thành tổ hợp tác, hợp tác xã, hoặc liên kết với DN để được hỗ trợ về kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm. Đây là tín hiệu tốt tạo ra sự chuyển biển tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Như đã nói ở trên, Agribank là đơn vị chủ lực trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, do đó chi nhánh tiếp tục định hướng chiến lược lâu dài là: khẳng định vai trò chủ đạo, chủ lực đối với thị trường nông nghiệp, nông thôn trên tất cả mặt hoạt động từ tín dụng truyền thống đến phát triển dịch vụ ngoài tín dụng, đặc biệt là đầu tư vốn cho hộ nông dân phát triển nông nghiệp, nhất là trồng chăm sóc các loại cây công nghiệp dài ngày.
Để thực hiện có hiệu quả chiến lược trên, Agribank Đăk Lăk bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, tập trung đầu tư vốn cho hộ nông dân thông qua việc phối hợp, liên kết với các DN trên địa bàn để đầu tư vốn cho hộ nông dân sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như 4C, UTZ Certified, Rainforest, Alliance, Fairtrade… Cùng đó, đẩy mạnh việc đầu tư vốn cho các hộ nông dân tái canh cà phê theo chủ trương chung của NHNN và Chính phủ…
Để triển khai tốt chương trình cho vay vốn hỗ trợ nông dân làm giàu, theo tôi chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ tốt hơn đối với người nông dân. Bởi vì, hiện nhu cầu vốn phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nhu cầu vốn cho các hộ nông dân vay đầu tư sản xuất rất lớn.
Nhưng để đẩy mạnh giải ngân vào khu vực này, quan trọng nhất là chính quyền địa phương cần tập trung giải quyết vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân, để khi NH cho vay không gặp khó khăn. Đồng thời, cùng tháo gỡ các rào cản khác hoàn thiện các thủ tục cấp quyền sử dụng đất để nguồn vốn được phát huy hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!