Gỡ nút thắt cho nông nghiệp công nghệ cao (Kỳ I)
Kỳ I: Đòi hỏi tất yếu
Trong chuyến đi khảo sát thực tế mới đây, chúng tôi được lãnh đạo tỉnh Hà Nam – một tỉnh đang đi đầu trong sản xuất NNCNC chia sẻ: đối với những tỉnh diện tích nhỏ như Hà Nam nếu chia theo đầu người thì bình quân mỗi người chỉ được 1-2 sào đất, mới đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm phục vụ cho gia đình. Nếu duy trì tình trạng này nền nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì thực tế nhiều địa phương và người dân bỏ ruộng không sản xuất ra thành phố làm việc. “Muốn phát triển nông nghiệp thành công, một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển NNCNC”, vị lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.
Có thể nói, chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp cũng đã được nhấn mạnh tại Đề án Tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6/2013. Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ông Trần Văn Tần cho biết, để hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Đề án này, thời gian qua các ngành, đều nhập cuộc tích cực. Riêng ngành NH, có nhiều chính sách hỗ trợ NNCNC, nông nghiệp sạch.
Chính phủ dành khoản tín dụng 100.000 tỷ đồng đầu tư lĩnh vực NNCNC |
Đơn cử, Nghị định 55 thay thế Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với nhiều quy định cởi mở khuyến khích cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch như đối với các dự án tham gia mô hình liên kết, NNCNC trong sản xuất nông nghiệp được TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh với hạn mức 5 – 7 tỷ đồng. Xác định đầu tư công nghệ cao là lĩnh vực mới và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy để các NHTM mạnh dạn hơn khi cho vay, Nghị định 55 cho phép các TCTD được thực hiện cơ cấu lại nợ hoặc có thể khoanh nợ xóa nợ đối với trường hợp khách hàng gặp rủi ro nguyên nhân khách quan bất khả kháng.
Đi đầu trong cho vay tam nông, tháng 11/2016 Agribank đã triển khai một gói tín dụng riêng cho NNCNC lên tới 50 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường 0,5 – 1,5%/năm. Song, cú hích được đánh giá là mạnh nhất nhằm thúc đẩy đầu tư NNCNC đó là Chính phủ công bố chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng đầu tư lĩnh vực này. Và cũng như các chủ trương lớn trước đó của Chính phủ, ngành NH cũng nhanh chóng nhập cuộc. Điều này thể hiện rõ, khi hầu hết các NHTM đều hưởng ứng và 8 NHTM đã cam kết dành 135 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thông thường 0,5 – 1,5%/năm.
Về phía cơ quan quản lý là NHNN đã ban hành Quyết định 813 về chương trình khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng ban hành Quyết định 738 về tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch… Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, đến thời điểm này đã có 32 DN nông nghiệp đăng ký đáp ứng các tiêu chí và được bộ cấp giấy chứng nhận. Hiện cơ quan này vẫn đang còn 3 hồ sơ DN chờ xét duyệt. Dự kiến trong tháng 12, sẽ giải quyết nốt số hồ sơ trên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các TCTD đã cho vay đối với 19/29 DN, số còn lại chưa có đề xuất vay vốn. Tại các tỉnh thành, chương trình cho vay ứng dụng NNCNC được triển khai quyết liệt như tại Hà Nam, dư nợ cho vay NNCNC, nông nghiệp sạch đạt 261 tỷ đồng với 7 DN, 10 cá nhân còn dư nợ.
Có được kết quả trên, lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Hà Nam cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các chi nhánh NHTM dành nguồn vốn để cho vay các dự án NNCNC, nông nghiệp sạch theo Quyết định 813 của NHNN đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng đủ điều kiện được tiếp cận vốn vay, đảm bảo công khai, minh bạch quyền lợi của khách hàng.
Song song với đó, NHNN chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường, Ban Quản lý khu công nghiệp… tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cũng như trao đổi thảo luận để nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế trên địa bàn…
Sau hơn 7 tháng triển khai, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, dư nợ đầu tư của ngành NH đối với lĩnh vực NNCNC, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng, với 6.400 khách hàng, trong đó chủ yếu cho vay đối với NNCNC với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.
Riêng Agribank, Phó Tổng giám đốc Agribank bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, đến nay dư nợ cho vay lĩnh vực NNCNC, nông nghiệp sạch khoảng 6000 tỷ với số lượng khách hàng hơn 3.800 khách hàng. “Dù trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn nhưng hệ thống NH nỗ lực chung vai chia sẻ hỗ trợ ngành Nông nghiệp. Nhờ ngành nông nghiệp đạt được kết quả tích cực trong thời gian qua dù chịu nhiều rủi ro do thiên tai bão lũ”, bà Thủy nhìn nhận.
Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ về lượng cũng như chất. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp 11 tháng năm 2017 đạt hơn 33 tỷ USD. Nhiều nông sản Việt Nam đã có giá trị gia tăng cao hơn, góp phần nâng cao đời sống của hơn 10 triệu nông hộ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đang suy giảm, từ 4,3%/năm (1994 - 2000) xuống còn 3,7%/năm (2001 - 2007) và 3,1%/năm (2008 - 2015) do sản xuất manh mún, dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ... Hiện giá trị đóng góp GDP của nền nông nghiệp vẫn rất khiêm tốn chỉ chiếm 20% GDP, trong khi lực lượng người dân tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm gần 50% dân số. Áp lực ngày càng gia tăng khi Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như quỹ đất nông nghiệp giảm, cạnh tranh gay gắt do hội nhập kinh tế quốc tế, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm… Vì vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) là hướng đi cần thiết trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và tất yếu trong xu thế hội nhập. |
Kỳ II: Vẫn vướng cơ chế