Gỡ nút thắt cho vay “tàu sáu bảy”
Cuối tháng 10/2015, con tàu hậu cần nghề cá làm bằng vật liệu composite đầu tiên vay vốn theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Ninh Thuận đã hạ thủy thành công theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra. Để hoàn thành việc cho vay đóng mới con tàu trị giá 7,9 tỷ đồng này, suốt 5 tháng vừa qua các NHTM trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã rất linh hoạt và tích cực trong việc phối hợp với địa phương cùng tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình giải ngân nguồn vốn.
Tàu hậu cần vỏ composite của ngư dân Ninh Thuận hạ thủy ngày 30/10 |
Giải bài toán tiền đặt cọc
Ông Đinh Thế Mẫn, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cho hay, thời điểm giữa năm 2015, sau khi hoàn thành quy trình sàng lọc và thẩm định các hồ sơ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của ngư dân tại địa phương, Agribank Ninh Hải đã được phân công cho vay đối với 3 tàu cá, tổng vốn vay trên 32,3 tỷ đồng.
Vào thời điểm này, tất cả các hồ sơ vay vốn của ngư dân đều đã được hoàn thiện, chính quyền địa phương cũng đã có văn bản xác nhận 3 trường hợp trên là những trường hợp đủ điều kiện tham gia vay vốn theo Nghị định 67.
Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ ra Khánh Hòa để Viện Nghiên cứu tàu thủy - Đại học Nha Trang (UNINSHIP) thiết kế mẫu tàu thì vướng phải nút thắt về tiền tạm ứng. Phía UNINSHIP yêu cầu mỗi tàu phải được đặt cọc trước 500 triệu đồng thì đơn vị này mới có thể triển khai thiết kế mẫu, trong khi Agribank Ninh Hải chưa thể giải ngân vì nếu rót vốn ngay sẽ vi phạm nguyên tắc hợp đồng.
“Theo hợp đồng thì NHTM sẽ cho vay 95% giá trị con tàu và giải ngân từng phần theo tiến độ đóng tàu. Nhưng ngay lúc thiết kế mẫu tàu thì chưa có “tiến độ” gì nên NH chưa thể cho tạm ứng vốn. Nếu đơn vị thiết kế yêu cầu nộp trước 500 triệu đồng/tàu thì ngư dân sẽ rất khó khăn vì tổng số vốn đối ứng bắt buộc với ngư dân chỉ là 5%, nếu phải nộp một lần thì ít người đáp ứng được”, ông Mẫn giải thích.
Đứng trước tình thế này, Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị với NHNN tại địa phương và ngay sau đó NHNN tỉnh Ninh Thuận báo cáo vướng mắc này về Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN).
Kết quả là sau khi khảo sát và ghi nhận ý kiến các bên, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã đồng ý để cho Agribank Ninh Thuận thực hiện nghiệp vụ “bảo lãnh bằng uy tín” đối với các hợp đồng tín dụng đã được địa phương phê duyệt. Theo đó, Agribank Ninh Thuận đặt cọc cho mỗi tàu 30 triệu đồng và UNINSHIP bắt tay vào thiết kế. Khi bản thiết kế hoàn thành, ngư dân đóng một phần vốn đối ứng và NH bắt đầu giải ngân theo tiến độ…
Bằng chính sách “mở rào” này, ngay khi Agribank chưa giải ngân nguồn vốn vay thì cả 3 con tàu đã được tiến hành thiết kế và đổ khuôn. Đến khi NH bắt đầu bơm vốn thì cơ bản cả 3 tàu hoàn thành xong việc tách khuôn và bước vào giai đoạn thi công các phần khoang, buồng trong nội thất…
Sau khi nút thắt về tiền đặt cọc được Agribank Ninh Thuận kiến nghị xử lý, hiện nay hầu hết các tàu cá vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 tại địa phương đều được thực hiện theo hướng NH lấy uy tín bảo lãnh cho ngư dân đối với khoản tạm ứng tiền thiết kế mẫu tàu. Do đó, tiến độ giải ngân cho vay đóng tàu tại Ninh Thuận đã tăng khá nhanh.
Đến thời điểm cuối tháng 10/2015, trong tổng số gần 71 tỷ đồng ký kết, các chi nhánh Agribank tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Hải đã giải ngân được trên 28,61 tỷ đồng đối với 8 tàu cá.
Cho góp dần vốn đối ứng
Một “nút thắt” khác là về vốn đối ứng của ngư dân đóng “tàu Sáu Bảy”. Ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Agribank Ninh Thuận cho hay, trong quá trình khảo sát danh sách các ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, phía NH nhận thấy rằng nhiều trường hợp ngư dân đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn nhưng không có đủ vốn đối ứng theo quy định. Bởi hiện nay, nếu vay vốn đóng tàu vỏ gỗ ngư dân vẫn phải đảm bảo 30% vốn đối ứng, tương đương 2-4 tỷ đồng, tùy tàu lớn nhỏ.
Để tăng khả năng cho vay, ông Ba cho biết, Agribank Ninh Thuận đã chủ động tổ chức đưa các ngư dân tại địa phương đi tham quan và khảo sát các cơ sở đóng tàu tại Ninh Thuận và một số cơ sở lớn tại Khánh Hòa. Mục đích của các chuyến đi này là để ngư dân tìm hiểu về chất lượng và các thông số kỹ thuật của các loại tàu vỏ sắt và vỏ composite. Từ đó, khuyến khích ngư dân chuyển sang đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ sắt hoặc vỏ composite nhằm giảm nhẹ phần vốn đối ứng từ vài tỷ đồng xuống mức 600-800 triệu đồng/tàu.
Ngoài ra, để tạo điều kiện tối đa cho ngư dân tham gia vay vốn, NH cũng mở ra cơ chế cho ngư dân đóng góp phần vốn đối ứng theo từng giai đoạn giải ngân. Cụ thể, khi NH cho vay 70-95% giá trị tàu, phần vốn này sẽ được chia ra 5-6 lần để giải ngân theo tiến độ đóng tàu. Mỗi lần NH giải ngân một phần vốn vay thì ngư dân góp vào một phần vốn đối ứng.
Như vậy, nếu đóng một tàu vỏ composite trị giá 12 tỷ đồng, mỗi tháng ngư dân chỉ phải góp vốn đối ứng khoảng 100-120 triệu đồng. Mức đóng góp này sẽ có nhiều ngư dân đáp ứng đủ tài chính và mạnh dạn vay vốn đóng các tàu lớn để tận dụng ưu đãi lãi suất từ ngân sách.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nhờ nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cho vay và giải ngân, đến nay hoạt động cho vay theo Nghị định 67 đã được đẩy nhanh hơn.
Tính đến giữa tháng 6/2015, cả nước mới cho vay vốn đóng mới, nâng cấp 75 tàu thì đến cuối tháng 9/2015, trên địa bàn cả nước đã có 193 con tàu được các NHTM cho vay vốn đóng mới, nâng cấp (đóng mới 187 tàu, nâng cấp 6 tàu) với tổng số tiền trên 1.906 tỷ đồng. Hiện các NHTM đã giải ngân 100% vốn vay đối với 23 tàu, 50-90% vốn vay đối với 35 tàu và dưới 50% vốn vay với các tàu còn lại…