Góp phần trẻ hoá cây cà phê
Đăk Lăk đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách cho vay tái canh cà phê | |
Agribank dành 39 tỷ đồng cho dự án tái canh cà phê trên địa bàn Gia Lai | |
Kon Tum: Đẩy nhanh tiến độ tái canh cà phê |
Là NHTM Nhà nước chiếm khoảng 30% thị phần trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, xác định vai trò chủ lực dẫn vốn cho khu vực nông nghiệp-nông thôn (NNNT), Agribank chi nhánh Lâm Đồng đã chủ động triển khai hiệu quả các chính sách của Đảng, Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh, trong đó chính sách tín dụng tái canh cà phê là một điển hình.
“Làm mới” màu xanh cây cà phê
Hàng trăm nghìn ha cà phê Tây Nguyên ở tình trạng già cỗi, cần tái canh từ nay đến năm 2020 thực sự là thách thức không nhỏ với các nông hộ khu vực này. Lãnh đạo Agribank chi nhánh Lâm Đồng cho biết, ngay khi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 872/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015; đồng thời, trên cơ sở biên bản ghi nhớ về việc thỏa thuận tài trợ vốn đầu tư tái canh diện tích cà phê già cỗi giữa lãnh đạo Agribank và tỉnh Lâm Đồng, Agribank chi nhánh Lâm Đồng xác định cho vay tái canh cà phê là một chương trình tín dụng trọng tâm.
Vì vậy, chi nhánh đã luôn chủ động, tích cực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, cũng như tổ chức triển khai, chủ động phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, báo đài tại địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình.
Đặc biệt, chi nhánh đã khẩn trương nhập cuộc tiến hành khảo sát nhu cầu vốn tái canh, cải tạo giống cà phê. Từ đó, xây dựng “bản đồ” tái canh cà phê chi tiết đến từng đơn vị hành chính thôn, xã; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng xây dựng 3 bộ định mức đầu tư và 3 dự án mẫu phục vụ cho việc thẩm định các dự án trồng tái canh, cải tạo giống cà phê.
Vườn cà phê của ông Trần Văn Khải sinh trưởng, phát triển tốt sau khi tái canh, cải tạo |
Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn tái canh cà phê, Agribank chi nhánh Lâm Đồng đã công khai quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn tại các phòng giao dịch, trụ sở UBND huyện, xã; áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tài sản tiền vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Để xoá bỏ tâm lý e ngại khi tiếp cận vốn, chi nhánh bố trí cán bộ tận tình tư vấn, hướng dẫn bà con hoàn thiện hồ sơ vay vốn, rút ngắn thời gian thẩm định từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Do giao trách nhiệm thực hiện kế hoạch đến từng cá nhân, tổ chức nên ban lãnh đạo đều nắm sát được tình hình để tháo gỡ khó khăn.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2015, mặc dù chưa có hỗ trợ của NHNN về nguồn vốn cho vay tái canh cà phê, nhưng Agribank chi nhánh Lâm Đồng đã chủ động triển khai cho vay tái canh cà phê với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5% đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng đầu tư tái canh cà phê của Agribank chi nhánh Lâm Đồng trong thời gian qua đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Ông Đoàn Văn Dậu, cư trú tại thôn Liên Hà 2, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà có 2,8 ha cà phê được trồng từ những năm 1994 với giống cũ, quả nhỏ, sinh trưởng kém, năng suất chỉ đạt khoảng 1,8-2 tấn/ha. Sau khi được vay vốn của Agribank, gia đình ông đã mạnh dạn loại bỏ và trồng mới 2 ha, diện tích còn lại áp dụng biện pháp ghép cải tạo chồi.
Đến nay, vườn cà phê của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, cây đồng đều, cành dài, lá xanh, dự kiến năng suất sẽ đạt từ 5-6 tấn/ha. Nông dân Trần Văn Khải ở thôn 1, xã Hoà Bắc, huyện Di Linh chia sẻ, cái khó của người nông dân sau khi tái canh, ghép cải tạo cà phê phải mất tới 2-3 năm mới cho thu hoạch.
Đây là quãng thời gian rất khó khăn của người trồng cà phê. Do đó, gia đình ông cũng như nhiều nông hộ trên địa bàn rất cần nguồn vốn vay ưu đãi từ NH. Nhờ 200 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Agribank chi nhánh Hoà Ninh, gia đình ông đã có đủ nguồn vốn thực hiện tái canh và ghép cải tạo trên toàn bộ diện tích 3 ha. Có những hộ sau khi tái canh, năng suất có thể đạt tới 8-9 tấn/ha.
Với hơn 60% nông hộ có nguồn thu nhập chính từ sản xuất, kinh doanh và chế biến cà phê, có thể khẳng định vốn tín dụng đầu tư tái canh cà phê của Agribank chi nhánh Lâm Đồng trong thời gian qua đã giúp nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của bà con nông dân tại địa phương, một số hộ đã vươn lên làm giàu.
Qua hơn 3 năm triển khai chương trình, hiện Agribank chi nhánh Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước về đầu tư tín dụng tái canh cà phê. Tính đến 30/9/2016, chi nhánh đã giải ngân tổng số tiền hơn 830 tỷ đồng cho hơn 6.000 khách hàng để đầu tư tái canh, cải tạo giống cà phê với tổng diện tích là 8.640 ha. Tổng dư nợ cho vay tái canh cà phê tại Agribank chi nhánh Lâm Đồng đến 30/9/2016 là 616 tỷ đồng với 5.256 khách hàng còn dư nợ, chiếm trên 85% tổng dư nợ cho vay tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn Tây Nguyên.
Gỡ bỏ rào cản cho dòng vốn
Tuy là một trong những chi nhánh triển khai cho vay tái canh cà phê tốt nhất trên cả nước, nhưng kết quả trên vẫn chưa được như mong muốn của Agribank Lâm Đồng. Bởi, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
Hiện mức cho vay tái canh cà phê đang thực hiện theo văn bản 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015 của NHNN, với mức tối đa 150 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh, và 80 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo. Mức này là quá thấp so với chi phí đầu tư thực tế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho tái canh cà phê.
Thực tế tại Lâm Đồng, người sản xuất cà phê đang dần chuyển đổi phương pháp sản xuất sang mô hình công nghệ cao, áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt. Chi phí đầu tư một hệ thống tưới nhỏ giọt hiện nay khoảng 170-180 triệu đồng/ha. Và, tổng mức đầu tư cần có đối với phương pháp trồng tái canh là khoảng 370 triệu đồng/ha, đối với ghép cải tạo là khoảng 300 triệu đồng/ha. Vì vậy, rất cần xem xét nghiên cứu nâng mức cho vay để phù hợp với thực tế và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho tái canh cà phê.
Một vấn đề khác cũng đang rất được quan tâm là lãi suất cho vay. Theo văn bản số 9973/NHNN-CSTT ngày 28/12/2015 của NHNN, mức lãi suất cho vay tái canh cà phê trong thời gian ân hạn là 6,5%/năm, mức lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn là 9%/năm. Như vậy, mức lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn cao hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay trung, dài hạn, và cao hơn 2% so với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực NNNT theo Nghị định 55 của Chính phủ.
Do đó, sau thời gian ân hạn hầu hết khách hàng đã huy động các nguồn khác để trả nợ vay tái canh cà phê và đề nghị vay lại vốn ngắn hạn lãi suất 7%/năm để chăm sóc cà phê. Vì vậy, nên áp dụng thống nhất một mức lãi suất cho vay cả trong thời gian ân hạn và sau thời gian ân hạn. Do thời gian thu hồi vốn của nông hộ khi cải tạo cà phê cũng là khá dài, nên việc áp dụng lãi suất cho vay tái canh cà phê thấp hơn từ 0,5% - 1%/năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực NNNT theo Nghị định 55 của Chính phủ cũng rất cần thiết.
Những vướng mắc này nếu được giải toả, chắc chắn màu xanh cà phê sẽ được phủ rộng hơn nữa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê và đưa thương hiệu cà phê của Lâm Đồng ngày càng lan toả.