Gửi tiết kiệm, kênh đầu tư vẫn hấp dẫn
Gửi tiết kiệm vẫn chiếm ưu thế | |
Để bảo toàn vốn hiệu quả nhất | |
Gửi tiết kiệm vẫn được quan tâm |
Lợi thế khách hàng cũ
Ngày 30/11, chị M.A (quận 2) nhận điện thoại của một giao dịch viên NH N. và được bạn này cho biết, chị được NH ưu tiên cho một mức lãi suất gửi tiết kiệm khá hời 7,8%/năm. Hỏi kỹ hơn, chị A được bạn nhân viên tư vấn cho biết, vì chị là khách hàng cũ và được các sếp cho vào danh sách ưu tiên đặc biệt nên nếu chị gửi tiết kiệm, sẽ được hưởng lãi suất 7,8% cho kỳ hạn 18 tháng.
Còn với những kỳ hạn gửi ngắn hơn, mức lãi suất cũng hấp dẫn. Ví dụ, 1-3 tháng, lãi suất áp dụng riêng cho chị là 5,5%/năm; 6 -12 tháng 7,4-7,6%/năm… mức lãi suất này chỉ áp dụng cho những khách hàng được nhân viên NH điện thoại thông báo, và là khách hàng cũ ‘thân thiết” của NH. Để so sánh, chị M xem lại biểu lãi suất mà NH này niêm yết thì đúng thật, mỗi kỳ hạn chị được cộng thêm khoảng 0,2-0,3%.
Nhiều NH âm thầm cộng thêm lãi suất cho khách hàng |
Dù không thực hiện chiến lược giống như NH N., nhân viên của NH B. cũng sử dụng tuyệt chiêu để thu hút tiền gửi từ NH khác về với mình. Đó là trường hợp của anh Vũ (quận 9) là một ví dụ. Anh Vũ cho biết, trước đây, anh gửi tiền tại Vietcombank với lãi suất 4% kỳ hạn 1 tháng và 6% kỳ hạn 3 tháng. Vì có quen biết với nhân viên tín dụng của NH B. nên khi biết anh gửi lãi suất thấp, NH B. chấp nhận trả lãi suất 6,5% kỳ hạn 6 tháng cho anh Vũ, đồng thời, NH này còn trả luôn phần chênh lệch lãi suất mà anh B rút sổ trước hạn tại Vietcombank.
Thực ra, lãi suất huy động đã được điều chỉnh từ khoảng tháng 6/2016, khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7% so với cuối năm 2015. Tính từ thời điểm đó đến nay, các NH vẫn điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tuy mỗi lần điều chỉnh tăng lãi suất không nhiều, nhưng đa số những lần điều chỉnh tăng nhẹ đều có điểm tích cực như tăng ở các kỳ hạn ngắn hạn, hay cộng thêm lãi suất… khiến một số khách hàng an tâm và thoải mái lựa chọn NH để gửi tiền thay vì chịu rủi ro khi đầu cơ vào kênh vàng đang tăng nóng.
Lần này cũng vậy, bằng nhiều hình thức, các NH vẫn tiếp tục dùng lãi suất ưu đãi để lôi kéo người gửi. Theo đó, chỉ cần những khách hàng có mối quan hệ tốt với NH ngay lập tức được hưởng lợi thế hơn hẳn khách hàng bình thường. Trong đó, việc hưởng lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn biểu giá niêm yết là thường xuyên.
Mà tính ra, để được làm khách hàng “ưu đãi” của các NH hiện nay không có gì là khó. Như tại NH N. theo chia sẻ của chị A, chị thấy đó chỉ là một cách gọi chứ chị không hề có gì đặc biệt với NH này. Chỉ là, trước đây, chị đã từng mở tài khoản gửi tiết kiệm tại NH ở chi nhánh Văn Thánh. Sau này, vì nhiều lý do chị đã rút tiền mở tài khoản gửi ở một NH khác. Nay, để khuyến khích người gửi quay trở lại, NH này dùng chính sách “khách hàng cũ lãi suất cao” để thu hút người gửi.
Hay đối với trường hợp của anh Vũ cũng vậy, để hưởng lãi suất ưu đãi như trên, chẳng qua anh có mối quan hệ giao dịch với nhiều NH cùng lúc. Thế nên, khi chia sẻ thông tin mình đang có, anh Vũ được nhân viên của NH này trả lãi suất cao hơn so với NH cũ anh đang gửi.
Lãi suất tăng do đâu?
Khi hỏi một lãnh đạo NH tại TP.HCM rằng tại sao tăng lãi suất huy động thì vị này chia sẻ, nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Theo thông tư này, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 50% thay vì mức 60% kể từ 1/1/2017, và xuống 40% từ 1/1/2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Mặt khác, có thể các NH nhận ra rằng thời điểm này phải tăng lãi suất huy động vì nhiều người đã rút tiền tiết kiệm để “lướt sóng” vàng những ngày gần đây.
Rõ ràng, câu chuyện tăng lãi suất huy động lúc này của NH nhằm hạn chế phần nào nguồn vốn chảy khỏi NH. Vậy, người gửi tiền có thể cân nhắc lại các loại sổ tiết kiệm để tìm kiếm cho mình một NH đang có mức trả lãi suất tốt nhất để lựa chọn.
Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng khuyên rằng, hiện nay người gửi tiền nên loại bỏ tâm lý gửi tiền ở NH quy mô nhỏ lãi suất cao dễ rủi ro, nên đành chấp nhận thiệt thòi gửi ở NH lớn lãi suất thấp. Như đã nói ở trên, mặt bằng lãi suất có thể ổn định trong quý III/2016 khi chưa có thay đổi lớn về trạng thái thanh khoản của hệ thống NH.
Lãi suất huy động trên thị trường 1 ổn định, trong khi lãi suất cho vay tại nhiều NH có cơ hội giảm nhẹ nhằm thúc đẩy tín dụng. Lãi suất kỳ hạn ngắn trên thị trường 2 chủ yếu ở dưới mức 4%/năm. Theo đó, nếu NH nào có chính sách lãi suất tốt thì người gửi nên nắm bắt để hưởng lợi.
Đồng thời, trước khi gửi tiền NH người gửi nên cân nhắc xem nhu cầu của mình sẽ phù hợp với việc gửi ngắn hạn hay dài hạn. Ở trường hợp của chị M.A nêu trên, khi được chào mời lãi suất tốt, đồng với thời điểm số tiết kiệm của chị đến ngày đáo hạn ở NH cũ, thế nhưng chị A không chắc chắn về nhu cầu sử dụng của bản thân thì nên chọn gửi ngắn hạn với lãi suất cũng khá ổn, 7,6%/năm.
Hiện nay, loại tiết kiệm được các NH thiết kế rất nhiều kỳ hạn để người dân linh hoạt lựa chọn. Kỳ ngắn từ 1 đến dưới 12 tháng; dài trên 12 tháng. Có NH đang đưa ra những sản phẩm tiền gửi chỉ 1, 2, 3 tuần. Sau khi quyết định gửi dài hạn hay ngắn hạn rồi, người gửi vẫn có thể tham khảo một vòng xem NH nào có mức lãi suất cao nhất mà vẫn đảm bảo các quyền lợi phụ khác.
Thêm vào đó, những NH có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng sẽ được coi là một sự lựa chọn thông minh vì các cuộc giao dịch này sẽ thuận lợi hơn những NH khác…