Hài hòa giữa chất và lượng
Thận trọng với tăng trưởng tín dụng | |
Tín dụng 6 tháng ước tăng 7,54%, cao nhất trong vòng 6 năm | |
Gắn kết tín dụng thương mại với tín dụng chính sách |
Con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54%, theo như Tổng cục Thống kê vừa công bố, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của DN và năng lực cung ứng vốn ra nền kinh tế của các NH có sự hài hòa hơn trước. Một số khu vực còn có mức tăng tín dụng cao hơn mức tăng toàn hệ thống, đơn cử như Hà Nội tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) của các TCTD trên địa bàn ước đạt 1.582.046 tỷ đồng, tăng 8,15%.
Ảnh minh họa |
Con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng qua đã nói lên nhiều điểm tích cực. Đó là, tín dụng đã tăng khá cao so với cùng kỳ 6 năm qua. Điểm tích cực nữa là tín dụng đã tăng ngay từ đầu năm, thậm chí có thể nói là tăng ấn tượng chứ không lẹt đẹt khởi động như thời điểm vài năm trở về trước. Nhất là sau giai đoạn nền kinh tế suy giảm (thời điểm từ năm 2011-2015), tín dụng tăng trưởng âm trong một hai tháng đầu năm, thậm chí còn âm trong quý đầu, rồi mới vươn lên mức tăng nhẹ trong các tháng sau.
Nếu cứ cho rằng, với khu vực hấp thụ vốn tốt nhất của nền kinh tế là DN thì xem ra tín dụng tăng như vậy cũng là hợp lý, khi một số liệu khác của Tổng cục Thống kê đã nói rõ là qua kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2017 cho thấy: Có 43% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước. Trong khi đó, chỉ có 19,2% DN đánh giá gặp khó khăn và 37,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý III so với quý II năm nay, có 52,1% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 12% số DN dự báo khó khăn hơn và 35,9% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Tinh thần lạc quan từ các DN cho thấy mức hấp thụ vốn trong thời gian tới còn tăng hơn.
Một điểm đáng lưu ý nữa, mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay là khá cao, nhưng vẫn kiểm soát được ổn định vĩ mô với cung tiền ra ở mức hợp lý. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2017 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,2% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,15%. Các con số trên so với chỉ tiêu cả năm thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Vấn đề đặt ra với tăng trưởng tín dụng là trong 6 tháng cuối năm sẽ diễn ra thế nào? Về lịch sử của tăng trưởng tín dụng thì bao giờ nửa cuối của năm cũng tăng mạnh hơn, do yếu tố mùa vụ, nên nhu cầu vốn cuối năm lớn hơn. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm phải tăng trên 10% thì mới đạt con số 18% mà NHNN đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trong những tháng cuối năm sức hấp thụ vốn tốt, nền kinh tế khởi sắc hơn thì tín dụng có thể cao hơn.
Theo như chỉ đạo của Chính phủ gần đây, tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 có thể vượt mức kế hoạch 18% với cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đã đề ra.
Thực ra, kế hoạch hay mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm cũng chỉ là mục tiêu định hướng chứ không phải mục tiêu “đạt cho được” mà còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường, cung cầu vốn, diễn biến trên thị trường tài chính... Song có một điểm quan trọng là cùng với tăng trưởng tín dụng thì các NH còn phải hài hòa nhiều mục tiêu, trong đó luôn hướng đến đi đôi với tăng trưởng phải kèm theo chất lượng tín dụng.
Vì chỉ với chất lượng tín dụng tốt, các NH mới có thể theo đuổi các mục tiêu dài hạn. Cũng như với cơ quan điều hành, chỉ có hệ thống ổn định, kiểm soát tốt được cung cầu vốn của nền kinh tế mới có thể đảm bảo hài hoà giữa ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế…