Hiệp định RCEP: Trung Quốc tham gia, Ấn Độ rút khỏi
RCEP có thể sẽ được ký kết vào đầu năm 2020 | |
Liệu có thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ - Trung? |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters |
Cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Mỹ và chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy đã tạo ra động lực mới cho các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Tuy nhiên, cho đến "phút chót", Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi đàm phán Hiệp định này. Các thành viên còn lại cho biết thỏa thuận mới sẽ tiếp tục được thực hiện và dự kiến được ký vào năm tới, sau khi 15 quốc gia (không có Ấn Độ) đạt được thỏa thuận tại hội nghị ở Bangkok sau khi hoàn tất văn bản Hiệp định và thống nhất các vấn đề về tiếp cận thị trường.
“Trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, việc hoàn thành các cuộc đàm phán RCEP sẽ nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với việc mở rộng thương mại và môi trường đầu tư trên toàn khu vực”, các nước cho biết trong tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35.
Cùng với đó, các nước cũng nhất trí để mở cơ hội cho Ấn Độ có khả năng tái tham gia sau này, nếu các vấn đề liên quan đến thỏa thuận được giải quyết.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói rằng ông phải tính đến lợi ích của người dân Ấn Độ.
“Khi xét đến lợi ích của người dân Ấn Độ nếu tham gia vào thỏa thuận RCEP, tôi không nhận thấy các kết quả tích cực”, ông Modi cho biết tại một thông báo của chính phủ nước này.
RCEP không Ấn Độ
Ấn Độ đã lo lắng rằng thỏa thuận sẽ đòi hỏi phải loại bỏ dần thuế quan và điều này đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường cho hàng hóa và nông sản giá rẻ của Trung Quốc, Úc và New Zealand thâm nhập, theo đó ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.
Khi không có Ấn Độ thì Hiệp định RCEP vẫn có quy mô chiếm gần một phần ba tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, nhưng sẽ chỉ chiếm chưa đầy một phần ba dân số thế giới, thay vì khoảng một nửa.
“Mặc dù tôi cảm thấy rất vui rằng 15 nước tham gia đã cùng thống nhất thỏa thuận, nhưng thật đáng tiếc Ấn Độ không thể tham gia, đó là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ”, bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành Asian Trade Centre tại Singapore cho biết.
“Trong khi đó, đây là một tin tuyệt vời cho thương mại và châu Á”, bà nói thêm và lưu ý rằng vẫn còn thời gian để Ấn Độ tham gia ký kết.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng cho biết bất cứ khi nào Ấn Độ sẵn sàng thì đều được chào đón.
Sẽ là một lợi thế lớn cho các quốc gia khác nếu Ấn Độ tham gia, đây sẽ là đối trọng làm giảm bớt vị trí thống trị của Trung Quốc, nhất là vào thời điểm các nước này coi Mỹ là đối tác thương mại và an ninh kém tin cậy.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã cử một phái đoàn cấp thấp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN. Nhiều quốc gia coi đây là "sự thiếu tôn trọng", vì thế chỉ có 3 trong số 10 quốc gia cử quan chức đại diện tham gia cuộc họp giữa Mỹ - ASEAN.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nói trong một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh rằng chính quyền của ông Trump cực kỳ gắn bó và cam kết đồng hành với khu vực.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã mang thư của ông Trump gửi đến Hội nghị thượng đỉnh và làm hài lòng một số nhà lãnh đạo Đông Nam Á bằng cách chỉ trích các hành động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
Mặc dù vậy, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích cho biết thông điệp từ Washington là rõ ràng.
“Nghi ngờ gia tăng mạnh mẽ đối với cách thức chính quyền của ông Trump tham gia vào vấn đề khu vực, và điều này cũng làm lợi cho các siêu cường khác trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự riêng của họ”, ông Panitan Wattanayagorn, cựu cố vấn an ninh quốc gia Thái Lan cho biết.