Hỗ trợ ngành bán lẻ có khả thi?!
Thách thức với ngành bán lẻ | |
Thị trường bán lẻ: Nên có hàng rào kỹ thuật | |
Liên kết chuỗi để mở rộng cánh cửa hẹp |
Trong sự “đổ bộ” dồn dập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, các DN bán lẻ trong nước vẫn rất tự tin vào khả năng cạnh tranh và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khiến cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Các DN cho rằng, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ thì ngành bán lẻ sẽ rất chật vật để giữ được thị trường nội địa.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với DN bán lẻ vẫn là nguồn vốn. Theo ông Vượng, đa số DN bán lẻ nội phải sử dụng vốn vay lưu động để đầu tư cải tạo hệ thống, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, tiếp cận vốn rất khó khăn.
Kể lại câu chuyện thực tế của Hapro, ông Vượng cho biết, DN này muốn phát triển hệ thống siêu thị với các đối tác liên kết bên ngoài, và nút thắt khó gỡ nhất chính là vốn đầu tư. “Nhiều trường hợp chúng tôi phải trực tiếp cho công ty thành viên vay, hoặc trước đây là đứng ra bảo lãnh với NH. Song khả năng cung cấp vốn của DN cũng chỉ có hạn, trong khi cơ chế bảo lãnh cũng không còn được áp dụng nữa, và DN lại tiếp tục gặp khó về vốn”, ông Vượng than thở.
Đó chỉ là 1 trong 4 khó khăn lớn hiện nay của ngành bán lẻ. TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đánh giá, DN bán lẻ nội địa đang phải đối mặt với 3 vấn đề khác cũng khó gỡ không kém. Trước hết, khâu lưu thông hàng hoá trong nước có nhiều vấn đề khiến hàng từ nhà sản xuất tới nhà bán lẻ gặp nhiều trở ngại. Mặc dù hiện nay tỷ trọng hàng nội địa vẫn chiếm đa số, song hàng nhập khẩu cũng đang có nhiều cơ hội thuận lợi để chen chân vào thị trường bán lẻ.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động trên thị trường bán lẻ hiện nay tuy dồi dào song chất lượng chưa đảm bảo. Bà Loan nhấn mạnh, “đòi hỏi về chất lượng lao động trong ngành này không còn đơn giản như xưa…”. Và điều mà AVR quan ngại nhất, là làm sao có nhà quản trị DN cấp trung hoặc cao để dẫn dắt, đưa DN đến thành công.
Cuối cùng, mặt bằng cũng là một trở ngại lớn đối với DN bán lẻ. Theo AVR, trước kia chúng ta thường lo ngại nguồn cung mặt bằng không đủ. Song hiện nay các công ty tư vấn BĐS đều khẳng định, nguồn cung rất dồi dào, thậm chí còn e ngại dư thừa. Nhưng để tiếp cận được thì DN lại vấp phải vấn đề chi phí thuê. DN không chỉ lo lắng ở chi phí thuê quá cao, mà còn về các điều kiện an ninh an toàn, chính sách quản lý thị trường, thuế…
“Ngay cả các DN lớn như Sài Gòn Co.op, Phú Thái, Hapro… cũng vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận mặt bằng để mở rộng thị trường, nói gì đến DN nhỏ hay siêu nhỏ”, bà Loan nhận định.
Với vấn đề này, AVR cho rằng Nhà nước còn nhiều dư địa để hỗ trợ DN. Lãnh đạo của Hapro nhìn nhận có nhiều cách hỗ trợ ngành như hỗ trợ về vốn vay ưu đãi. Chẳng hạn một đơn vị liên kết với Hapro muốn mở điểm bán lẻ mới, đã có hợp đồng dài hạn 5-7 năm thì có thể coi đó là cơ sở để thông qua chính sách cho vay vốn ưu đãi, phát triển hệ thống, như vậy mới gỡ khó được cho DN.
Đồng tình rằng DN bán lẻ của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và khó cạnh tranh được với FDI, song ông Lê Khôi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo cần thận trọng khi đề cập tới câu chuyện hỗ trợ DN trong bối cảnh hội nhập.
Ông Khôi khẳng định nếu đề xuất các biện pháp, chính sách hỗ trợ riêng cho DN bán lẻ như gói vay vốn, lãi suất ưu đãi, mặt bằng giá rẻ… thì rất khó khả thi nếu xét cả trên phương diện chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, lẫn khả năng đáp ứng của thị trường. Điều này mặt khác cho thấy sự chuẩn bị cho hội nhập của ngành bán lẻ nói riêng và DN Việt Nam nói chung còn hạn chế.
“Chúng ta chuẩn bị quá chậm trễ, kể cả với TPP hay EVFTA, có những vấn đề thực hiện rất thụ động”, ông Khôi quan ngại.