Liên kết chuỗi để mở rộng cánh cửa hẹp
Cửa hàng tiện lợi-nhiều mà chưa đủ | |
DN bán lẻ nội ngày một “teo tóp" | |
Bán lẻ Việt Nam: Cốc mò cò xơi? |
Thâu tóm Metro Cash & Carry và Big C, người Thái đang có những bước đi bài bản để “bành trướng” trên thị trường bán lẻ Việt. Đầu tư chế biến nông sản, sản xuất bao bì, kinh doanh dịch vụ vận tải… là những bước đi đầu tiên; tiếp đến là tổ chức hàng loạt hội chợ quảng bá thương hiệu Thái Lan ở các thành phố lớn...
VinMart Plus đang là chuỗi cửa hàng tiện dụng khá thành công trên thị trường |
Không ồn ào như các DN Thái, người Nhật thận trọng hơn. Họ mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart khi quyết định bắt tay với Tập đoàn Phú Thái để gia nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo nghiên cứu của họ, khi mở các điểm bán lẻ dưới 500 m2, cửa hàng tiện lợi 24/24... thì DN nước ngoài đã không bị ràng buộc về ENT (xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm). Các cửa hàng này dù có quy mô nhỏ nhưng có thể mở rộng nhanh, tại nhiều địa phương khác nhau, giúp tăng nhanh thị phần và cho doanh thu không hề nhỏ.
Ông Hayashi Motoo, Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vừa có chuyến khảo sát thị trường TP. HCM tìm cơ hội đưa hàng hóa vào Việt Nam qua chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật. Một hội đồng hỗ trợ DNNVV Nhật đã được thành lập. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) sẽ hậu thuẫn đắc lực cho các DN Nhật tiếp cận thị trường.
Được biết, Việt Nam là thị trường đầu tiên áp dụng mô hình này, nếu thành công sẽ được nhân rộng ở các thị trường khác, Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM Hirotaka Yasuzumi bật mí.
Đó mới là đích chúng tôi nhắm tới, người đứng đầu JETRO bổ sung thêm. Chưa dừng lại ở đây, xu hướng DN Nhật đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam đã xuất hiện, có khoảng 6% trong tổng số 1,285 tỷ USD đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2015 nhằm khép kín chuỗi phân phối.
Đây được xem như cách làm tối ưu đạt đa mục tiêu. Bởi lẽ, sẽ giúp chủ siêu thị, cửa hàng tiết kiệm các chi phí (như vận chuyển, bảo quản cấp đông…); thậm chí đơn giản hóa việc phải nhập khẩu các nguồn hàng từ nước ngoài, vốn còn nhiều vướng mắc về hải quan, các thủ tục kiểm dịch, soát xét xuất xứ…
Nắm bắt được xu hướng thị trường trong nước, tính toán từng bước đi phù hợp và liên kết sức mạnh thành một chuỗi giá trị với nhiều nguồn lực cùng tham gia, nhà đầu tư nước ngoài dường như đang có nhiều lợi thế để cạnh tranh hơn so với đa số DN trong nước.
Ông Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương) phân tích, doanh số bán lẻ của DNNN hiện chiếm khoảng 10%, DN ngoài quốc doanh 86%, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 4%. Tuy nhiên các điểm bán lẻ của DN FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước, song do quy mô lớn nên doanh số bán ra tại một điểm lại gấp 3 - 4 lần, thậm chí 7 - 8 lần so với một điểm của siêu thị nội.
Trong bối cảnh đó, để cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài ông Lê Huy Khôi cho rằng, liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng thật chắc chắn trên thị trường nội địa cũng là việc làm hết sức cấp bách. Bởi nếu muốn chia sẻ “miếng bánh” thị phần bán lẻ 180 tỷ USD/năm trong thời gian tới, các DN trong nước chỉ còn cách làm tốt việc phát triển hệ thống phân phối, vì ai nắm hệ thống phân phối, người đó quyết định khâu sản xuất.
Điều này đang được một số DN bán lẻ làm theo và đã thành công như TH True Milk thì chọn cách đầu tư vào chuỗi sản xuất - phân phối sữa sạch. Vingroup và các công ty thành viên như Vincom, VinEco, Vincommerce... đã tổ chức kết nối gần 250 công ty sản xuất, phân phối của Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt và DN Việt, góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch, hàng tiêu dùng có chất lượng…