Hỗ trợ ngành nông nghiệp bao nhiêu cho đủ
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), nông nghiệp hiện đang là ngành được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhất. Cốt lõi của chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay đang hướng về phía trợ cấp bằng các hình thức khác nhau. Song hiệu quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp lại rất hạn chế.
Theo NCIF, các số liệu thực tế cho vốn đầu tư vào nông nghiệp trong năm 2013 chỉ chiếm khoảng 5,6% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đầu tư tư nhân vào nông nghiệp rất thấp, thiếu ổn định với tỷ trọng DN đầu tư rất khiêm tốn.
Cả nước có hơn 3.500 DN nông - lâm - thủy sản, chỉ chiếm 1,6% trong tổng số DN cả nước, trong đó chủ yếu là DNNVV. Năm 2014, DN đầu tư vào lĩnh vực này thu hẹp lại, chỉ chiếm 1,01% trong tổng số DN của cả nước, phần lớn lại có quy mô nhỏ (vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%).
Lấy ví dụ ở một địa phương là tỉnh Hà Tĩnh, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp chiếm áp đảo so với các ngành khác khi hiện có khoảng gần 20 chính sách các loại về phát triển nông nghiệp, nông thôn do trung ương và địa phương cùng ban hành.
Các hình thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp rất đa dạng, từ hỗ trợ giai đoạn đầu vào cho người sản xuất, bằng tiền (cả tiền mặt trực tiếp và hỗ trợ lãi suất), cho đến hỗ trợ thu mua... Tuy nhiên, đến nay, mô hình nông nghiệp đầu tư lớn và bài bản, có quy mô đủ lớn để sản xuất hàng hoá ở Hà Tĩnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào thị trường quốc tế, các chuyên gia cho rằng việc thiết kế quá nhiều chính sách ưu đãi có thể gây ra mặt trái như cơ chế xin cho, sự phụ thuộc và ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước... chưa kể rất nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp không đi vào thực tiễn.
Bà Trần Thị Hồng Minh, chuyên gia của NCIF phân tích, chính sách thuế và đất đai đang là những trở ngại lớn nhất. Đơn cử với chính sách đất đai, chủ trương của cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng bên cạnh việc xin cấp đất thì DN cần liên kết với nông dân và coi đó là giải pháp ưu tiên. Tuy nhiên, cơ chế để DN đàm phán, liên kết với hộ gia đình, cá nhân để giải quyết vấn đề đất đai đang gây khó khăn khi triển khai đầu tư.
Bà Minh dẫn chứng từ trường hợp CTCP Giống cây trồng Thái Bình xây dựng một nhà máy chế biến trên diện tích 1,2 ha nhưng phải đàm phán với 27 hộ trong vòng 3 năm mới lấy được đủ diện tích đất. Kết quả dự án thay vì 2 năm đi vào hoạt động thì phải 5 năm mới xây dựng xong nhà máy. Hoặc đối với trường hợp DN đầu tư ở nhiều tỉnh thành, hiện phải xin giấy phép triển khai dự án từng tỉnh một. Do vậy, khi thủ tục ở một địa phương chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ.
Hoặc theo quy định, khi quy hoạch hạ tầng cơ sở cho dự án đầu tư nông nghiệp, Nhà nước sẽ đầu tư đầy đủ hệ thống điện, đường đến tận chân công trình xây dựng dự án. Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí và tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng các hạng mục nêu trên.
Nhưng trên thực tế, hầu hết các địa phương không có ngân sách để đầu tư các công trình này nên NĐT phải tự thực hiện. Trong khi đó, cơ chế để được nhận hỗ trợ 70% chi phí từ ngân sách Nhà nước còn chưa rõ ràng và nhiều thủ tục.
Các chính sách thuế cũng đang là nút thắt đối với DN. Các DN chế biến và tiêu thụ nông sản chế biến ở thị trường trong nước không khấu trừ được thuế giá trị gia tăng đầu vào vì mua nông sản nguyên liệu của nông dân không có hóa đơn. Việc này làm giá thành sản phẩm cộng thêm 10%, giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Những biểu hiện này cho thấy chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp đang vừa thiếu lại vừa thừa. NCIF đánh giá, chính sách hiện nay không phải là bệ đỡ tích cực thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Thậm chí, nhiều cơ chế, chính sách còn đang là rào cản, kìm hãm nguồn lực đầu tư vào ngành này.
Do đó cơ quan này khuyến nghị, cần coi DN là trụ cột trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt là các DN lớn, tiềm lực tài chính mạnh, khả năng huy động vốn thuận lợi, các yếu tố về cơ chế, chính sách đảm bảo thủ tục để triển khai hoạt động đầu tư nhanh chóng, thuận lợi; môi trường thể chế minh bạch, ổn định, nhất quán... mới là những yếu tố mà họ kỳ vọng.