Hóa giải thách thức với thủy sản xuất khẩu
Mỹ tăng thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam | |
Nâng cao giá trị cho thủy sản |
Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết sản phẩm thủy sản chủ lực đều tăng trưởng, như xuất khẩu tôm tăng 4,6%, cá tra tăng 4,1%, các loại cá khác tăng 7,2%... Tuy nhiên, DN ngành thủy sản vẫn rất lo lắng với nhập mặn đầu năm, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu (nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản).
Ngành thủy sản đang có sự phục hồi khá rõ sau một thời gian dài gặp khó khăn |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP), diện tích nuôi trồng thủy sản Việt Nam hàng năm của Việt Nam dao động từ 900 nghìn đến trên 1 triệu hec-ta, sản lượng khoảng 2,5 - 3,5 triệu tấn.
Khu vực ĐBSCL chiếm 75% tổng diện tích và sản lượng cả nước và là vùng nuôi tôm chủ yếu với 94% tổng diện tích nuôi và 81% sản lượng tôm của cả nước. Khu vực miền Trung có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản (cá ngừ và các loại cá khác, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ…).
Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, tình hình hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã khiến các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam lâm vào tình cảnh khó khăn nối tiếp khó khăn. Cộng với trước đó, một số thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam đã giảm đơn hàng và tăng rào cản kỹ thuật.
Cho đến hết quý III/2016, tình hình xuất khẩu thủy sản mới có dấu hiệu lạc quan trở lại. Trước hết là ở một số thị trường, giá trị xuất khẩu thủy sản có tăng như Trung Quốc tăng 55,2%, Hoa Kỳ tăng 14,3%, Hà Lan 12,3% và Thái Lan tăng 10,8%....
Trên thực tế, mới bắt đầu quý IV/2016, ngành thủy sản đã có chuyển biến tích cực, ảnh hưởng tốt đến xuất khẩu của DN. Đó là, tại các tỉnh Nam Trung bộ và ĐBSCL, ngư dân khai thác đạt sản lượng hải sản cao, nhất là cá trích, cá cơm, cá ngừ sọc dưa…
Sản lượng nuôi trồng cũng ổn định, với hoạt động nuôi tôm mô hình mới là quảng canh cải tiến, tôm-rừng, tôm-lúa và siêu thâm canh trong nhà kính có kỹ thuật nuôi tốt, chi phí thấp, ít rủi ro, thân thiện môi trường và chất lượng sản phẩm cao, đồng đều, phù hợp điều kiện xuất khẩu. Diện tích nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đến tháng 9/2016 là 6.400 ha, sản lượng thu hoạch là 776.000 tấn.
Đến hết tháng 9/2016, sản lượng thủy sản đánh bắt của các tỉnh Nam Trung bộ đạt trên 4,9 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015 và sản lượng tôm đạt 2,6 triệu tấn, tăng 1,8% so với 2015. Cá tra xuất khẩu đạt 1,27 tỷ USD và ước tính cả năm 2016 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, tình hình xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm 2016 có khả quan hơn.
Tuy nhiên, DN vẫn đang chịu rất nhiều áp lực do thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến hàng xuất khẩu, và các thị trường lớn đang gia tăng rào cản kỹ thuật (Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu tôm). Để giải quyết khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu, hiện nay VASEP đã đề xuất những kiến nghị liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, công nghệ nuôi trồng thủy sản an toàn.
Cụ thể, sát với thực tế nhất là các kiến nghị về, đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, có biện pháp cân đối thời vụ nuôi tôm, sản xuất giống để tránh tình trạng “lệch pha”, dẫn đến giá thành nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu tăng cao; Phát triển mạnh chương trình nuôi tôm sạch (không kháng sinh) cho người nuôi, vựa thu mua chế biến để có tôm không kháng sinh không tạp chất, lấy lại uy tín cho sản phẩm xuất khẩu.
Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động nguồn lực hỗ trợ DN xuất khẩu cá tra vượt qua các rào cản kỹ thuật. Đặc biệt, vùng ĐBSCL cần có một cảng biển hiện đại để đáp ứng sản xuất xuất khẩu toàn vùng; Xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm công nghệ sinh học về nuôi trồng thủy sản… Giải quyết nhanh chóng các vấn đề này, thì ngành thủy sản không khó để đạt chỉ tiêu xuất khẩu là 7 tỷ USD/năm 2016 và cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.