Nâng cao giá trị cho thủy sản
Vực dậy nuôi trồng thủy sản | |
Xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm và những dự báo |
Theo thống kê số liệu báo cáo tài chính quý II/2016 của 17 DN thủy sản niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán cho thấy, tại ngày 30/6/2016, tổng tài sản của nhóm DN này đạt mức 44.146 tỷ đồng, tăng 20,51% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu tăng 21,6%, đạt mức 15.745 tỷ đồng.
Nâng cao GTGT cho mặt hàng thủy sản |
Một tín hiệu đáng mừng khác là hàng tồn kho của các DN cũng có xu hướng giảm nhẹ. Đáng chú ý, kết thúc quý II/2016, lợi nhuận trước thuế của nhóm DN này đã tăng bình quân tới 78,5% so với cùng kỳ. Có được những kết quả khả quan như vậy, là do ngành đã có giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn, trong đó chuyển biến mạnh nhất là tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, là việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN và tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Cụ thể là triển khai đề án thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xu hướng sản xuất sản phẩm chế biến sẵn, GTGT cao ngày càng chiếm ưu thế và có vai trò dẫn dắt thị hiếu tiêu dùng trên quy mô toàn cầu. Đây là mục tiêu mà hầu hết các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản đang hướng đến. Trên con đường tìm kiếm thị trường của mình, thủy sản Việt Nam cần xem đây là một cơ hội tốt để tìm lối thoát trong khủng hoảng.
Thực tế, các thị trường mang lại nhiều GTGT của sản phẩm thủy sản chế biến sẵn là Mỹ, Nhật Bản, EU. Trong đó, EU tập hợp nhiều nhà bán lẻ có tiếng thế giới và dẫn đầu về sức tiêu thụ.
Tuy nhiên, các quốc gia này đang có xu hướng tập trung vào một số không nhiều loài thủy sản chất lượng cao (tôm, nghêu, sò, cá hồi, ngừ, da trơn, tuyết…). Việc chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang các mặt hàng có GTGT cao là yêu cầu bắt buộc, giúp DN Việt Nam cạnh tranh được với các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản tăng lên.
Mới đây, trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề thay đổi tư duy sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản nói chung, thủy sản nói riêng theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững, nhằm mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu… đã được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Đây sẽ là tiền đề, động lực, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với ngành thủy sản trong tương lai.