Hội thảo bàn về huy động nguồn lực vàng trong dân
Hội thảo, do Hiệp Hội kinh doanh vàng Việt Nam và Công ty cổ phần Trí thức Doanh nghiệp quốc tế phối hợp tổ chức, đã thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp tham gia.
Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp Hội kinh doanh vàng, từ thực tế của Việt Nam, giải pháp cho vàng phải là giải pháp có tính thực tiễn thị trường, mục tiêu của quản lý ngoài việc kiểm soát phải đạt được yêu cầu khơi thông dòng chảy cung ứng vàng cho thị trường và bổ sung nguồn vàng có kiểm soát khi cần thiết. Không sợ hãi vàng mà phải thâm nhập nó và thừa nhận nó như một phần thiết yếu của đời sống và huy động nó phục vụ nền kinh tế quốc gia.
Lợi ích rõ ràng là huy động được một nguồn lực tài chính quan trọng trong dân thay vì bất động, mà người dân cũng tiếp tục được sở hữu vàng bảo đảm cuộc sống, đồng thời cũng tránh được các phức tạp do huy động và kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu bật tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực vàng trong dân sẽ góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực; chính sách tiền tệ cân đối, cán cân thanh toán cân đối; huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Ông cho rằng muốn huy động nguồn lực vàng trong dân cần có những giải pháp tổng thể như vai trò của Ngân hàng Nhà nước; nền kinh tế vĩ mô phải giám sát dòng tiền và vàng mang tính cạnh tranh lành mạnh, liên thông với thị trường quốc tế…
Tham luận của ông Hoàng Huy Hà, đến từ Ngân hàng BIDV cho rằng Sàn giao dịch vàng Quốc gia là giải pháp phù hợp để tổ chức lại hoạt động thị trường vàng Việt Nam và huy đông nguồn lực vàng trong dân.
Ông khẳng định việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia sẽ tạo ra một mặt bằng thị trường, tạo ra sân chơi chung cho các nhà đầu tư. Đồng thời, đảm bảo thị trường được vận hành một cách an toàn, minh bạch, có kiểm soát, không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, mà còn huy động được nguồn lực vàng đang còn tích trữ trong dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam đã nêu lên những yếu tố cần thiết để đảm bảo khả năng huy động vàng trong dân, trong đó nhấn mạnh về các yếu tố vĩ mô: nền kinh tế phải ổn định, lạm phát cần được kiềm chế một cách hiệu quả, hạn chế tâm lý tích trữ vàng làm nơi trú ẩn.
Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong việc điều hành tỷ giá; phải có khung pháp lý rõ ràng và nhất quán; tính toán hợp lý đảm bảo lãi suất đảm bảo có lợi cho người gửi vàng.
Về yếu tố vi mô phải đảm bảo thanh khoản tốt của chứng chỉ huy động vàng; quy trình phải đơn giản, thuận tiện nhưng chặt chẽ; đảm bảo chứng chỉ vàng có thể cầm cố, thế chấp, cho vay, chuyển nhượng; về lâu dài có thể chứng khoán hóa…
Theo số liệu của các chuyên gia, ước lượng ngoài lượng vàng tiết kiệm khoảng 100 tấn đang gửi ở các ngân hàng thương mại, hiện có khoảng 400 tấn vàng còn lại được nắm giữ rải rác trong dân (tương đương với 22 tỷ USD – xấp xỉ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay).
Nếu huy động được chỉ một nửa số vàng trong dân thì ít nhất cũng có 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế và chắc chắn rằng nguồn ngoại tệ này sẽ làm giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Việc này cũng giúp Ngân hàng Nhà nước có nguồn lực để chủ động và sẵn sàng điều tiết thị trường khi xảy ra những cơn sốt giá như vừa qua.
Theo TTXVN