Hướng đến mục tiêu ngân hàng xanh và bền vững
Hội thảo này là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác Đức – Việt của Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh do GIZ thực hiện tại Việt Nam theo ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ).
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh và Quyết định 403/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó giao nhiệm vụ cho NHNN chủ trì việc hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính tín dụng của NHTM phục vụ tăng trưởng xanh.
Hệ thống Ngân hàng Việt Nam với chức năng là kênh dẫn vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế Việt Nam, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phát triển bền vững tăng trưởng xanh và các-bon thấp thông qua huy động và điều tiết các nguồn vốn cần thiết phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Áp dụng chặt chẽ hơn các nguyên tắc quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động đầu tư, cấp tín dụng.
Theo Phó Thống đốc, ý thức được vai trò then chốt của hệ thống ngân hàng, NHNN đã xây dựng hàng loạt các chính sách và kế hoạch hành động để thúc đẩy khuyến khích các ngân hàng từng bước chuyển hướng theo đuổi mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Điều này đã được Thống đốc NHNN cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 03 ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động tín dụng và Quyết định số 1552 phê duyệt Chương trình hành động của ngân hàng thực thi chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ.
Các vụ chức năng của NHNN đã soạn thảo Chiến lược đề án ngân hàng xanh, danh mục dự án xanh, sổ tay quản trị rủi ro môi trường, xã hội và hướng dẫn thống kê báo cáo về tín dụng xanh để các NHTM ở Việt Nam áp dụng.
“Hội thảo sẽ đánh dấu một mốc quan trọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong quá trình hướng đến mục tiêu ngân hàng xanh và xa hơn nữa là ngân hàng bền vững. Qua đó góp phần thực hiện thành công các Chiến lược quốc gia về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam”, Phó Thống đốc cho biết.
Toàn cảnh Hội thảo
Thông tin thêm về các hoạt động của NHTM trong Chiến lược Ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững, Tổng thư ký VNBA Nguyễn Toàn Thắng cho biết, để thực hiện tăng trưởng xanh, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn đầu tư của nước ngoài, rất cần có sự tham gia của các NHTM để đáp ứng nguồn vốn hoạt động cho các DN trong nền kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, NHNN Việt Nam đã có những bước khởi đầu trong việc xây dựng chính sách triển khai Ngân hàng xanh. NHNN đã hợp tác với IFC xây dựng bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thống đốc NHNN Việt Nam cũng đã có Chỉ thị số 03 (tháng 3/2015) chỉ đạo việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Điều này cho thấy NHNN đang thúc đẩy tăng tỷ trọng tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng.
TS. Michael Krakowski, Giám đốc - Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh cho biết, trong vòng 3 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô của GIZ và các tổ chức quốc tế khác cũng như sự hợp tác gần gũi chặt chẽ và hiệu quả của các bộ ngành liên quan cùng với những nỗ lực của NHNN Việt Nam, chúng ta đã có được những tiến bộ rất quan trọng trong việc định hình khung chính sách, cũng như các sản phẩm về tài chính và ngân hàng xanh.
“Tôi hết sức ấn tượng là chúng ta đã có được những tiến bộ thành công như vậy trong thời gian qua và tôi cũng muốn nêu bật đến Chỉ thị của ngài Thống đốc NHNN Việt Nam về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng xanh, quản lý các rủi ro về môi trường, về xã hội tại các TCTD hay danh mục các dự án xanh mà hiện nay đã được thực hiện thí điểm tại 23 ngân hàng cũng như những yêu cầu về báo cáo liên quan đến tín dụng xanh và các vấn đề về quản lý rủi ro môi trường, xã hội”, TS.Michael Krakowski nói.