Hy vọng căng thẳng sẽ không kéo dài
Ông Trump kêu gọi Fed hỗ trợ trong cuộc chiến thương mại | |
Cuộc chiến thương mại sẽ diễn ra trên nhiều mặt trận? |
Căng thẳng leo thang
Đây là những nhận định được nhà phân tích Matt Egan, thuộc chuyên trang CNN Business đưa ra gần đây. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện cũng đang là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Kim ngạch thương mại hàng hóa song phương năm 2018 giữa 2 quốc gia đạt gần 700 tỷ USD (trong đó theo cơ quan thống kê Mỹ, Mỹ nhập khẩu hàng hóa trị giá 539,5 tỷ USD từ Trung Quốc). Và với khoảng 1,1 nghìn tỷ USD nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ, Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ.
Là bên chịu thâm hụt thương mại lớn, phía Mỹ - đặc biệt dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump - đã liên tục chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc, đồng thời thuyết phục nước này mở cửa thị trường cho các nhà bán hàng Mỹ, coi đây là một mục tiêu quan trọng cả trong hiện tại và tương lai. Căng thẳng thương mại vì thế bùng phát và có dấu hiệu ngày càng leo thang.
Dù căng thẳng tiếp tục leo thang nhưng giới phân tích kỳ vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận |
Cuộc chiến thuế quan theo kiểu “ăn miếng - trả miếng” đang đe dọa một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất toàn cầu và tất nhiên, là đến cả nền kinh tế thế giới bởi quy mô của nó. Đúng vào thời điểm mà 2 quốc gia đáng lẽ nên tập trung xây dựng và củng cố các hành lang luật pháp cho mối quan hệ trong 20 năm tới, thì họ lại đang “chĩa súng” vào nhau. Vì nhiều lý do mà nguy cơ đổ vỡ trong quan hệ Mỹ-Trung đang khiến các nhà đầu tư và các nhà kinh tế rất quan ngại. "Chúng ta cần phải học cách sống chung với nhau", Keith Lerner, chiến lược gia trưởng thị trường tại SunTrust, nói.
Chỉ số Dow Jones đã giảm tới 617 điểm, tương đương mức 2,4% trong phiên giao dịch ngày 13/5 vừa qua khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa thuế quan với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, sau khi Mỹ quyết định nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 10/5/2019. “Nguy cơ một cuộc CTTM toàn diện đã tăng lên đáng kể”, Tao Wang, kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại UBS nhận định. Nguy cơ này càng gia tăng khi Mỹ đang tiếp tục lên phương án đánh thuế 25% với khoảng 300 tỷ USD toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc.
Thuế quan đang là thứ vũ khí được lựa chọn trong bối cảnh cả hai bên đang tìm cách tạo lợi thế trong đòn bẩy đàm phán. Người tiêu dùng và doanh nghiệp bỗng nhiên thấy mình bị cuốn vào cuộc chiến. Các khoản thuế tất yếu sẽ làm tăng chi phí, đảo lộn chuỗi cung ứng cũng như làm gia tăng sự bất ổn. UBS mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP 2019 của Trung Quốc từ 6,4% xuống còn 6,2%, và không “quên” cảnh báo thêm rằng, con số này có thể giảm xuống dưới 6% ngay trong năm 2019 và năm 2020 nếu CTTM leo thang hơn nữa.
Nhưng cả hai vẫn rất cần nhau
Tầng lớp trung lưu đang bùng nổ tại Trung Quốc là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với các công ty như Boeing, Apple, Nike và hàng loạt các thương hiệu Mỹ khác. Trong khi đó, nhu cầu “vô độ” của người Mỹ đối với hàng hóa giá rẻ đã góp phần quan trọng tạo ra một “công xưởng Trung Quốc” - nơi cần tới hàng triệu công nhân.
Sự kết nối giữa Trung Quốc và Mỹ một phần được thúc đẩy bởi hàng triệu người ở Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo. Một nghiên cứu của Bain & Co ước tính, với tăng trưởng thu nhập tiếp tục tăng lên nhanh chóng thì vào năm 2027, có khoảng 180 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình thấp ở Trung Quốc hiện nay sẽ đạt ngưỡng thu nhập cao hơn.
Theo David Kotok, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors, tầng lớp trung lưu tăng nhanh tại Trung Quốc đang tạo ra hiệu ứng tích cực. Bởi với thu nhập tăng lên, nhu cầu mua các mặt hàng xa xỉ như xe hơi, iPhone, giày thể thao… của người tiêu dùng Trung Quốc cũng tăng lên, và đó chính là các cơ hội tăng trưởng lớn cho những công ty của Mỹ như General Motors, Apple và Nike. Cùng quan điểm này, chuyên gia Keith Lerner của SunTrust cho rằng, rất nhiều người trong tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy tại Trung Quốc yêu thích các sản phẩm mang thương hiệu Mỹ.
Cùng với đó, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người Trung Quốc cũng mỗi lúc một tăng, khiến cho quốc gia tỷ dân này cũng ngày càng trở thành thị trường quan trọng hàng đầu của Boeing. Hay một lĩnh vực khác là năng lượng cũng vậy. Sự bùng nổ trong ngành năng lượng của Mỹ vào thời điểm hiện nay được xem là phù hợp tuyệt vời để giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm của Trung Quốc. Hoa Kỳ là nước xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới. Đây là một loại nhiên liệu sạch hơn và có thể giúp các nước, trong đó có Trung Quốc chuyển dịch khỏi việc sử dụng than. Tuy nhiên, nhập khẩu LNG của Trung Quốc thời gian gần đây đã chậm lại trong bối cảnh CTTM và xu hướng đó có thể tiếp tục bởi trong lần tăng thuế trả đũa Mỹ vừa qua, Bắc Kinh đã đưa mặt hàng này vào diện tăng thuế từ 10% lên 25%.
Theo cơ quan thống kê Mỹ, năm 2018, nước này đã xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá 120,3 tỷ USD sang Trung Quốc và đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ chỉ sau Canada và Mexico. Giới phân tích cho rằng, sự chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc hướng sang dựa nhiều vào tiêu dùng tạo ra cơ hội lớn cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Mỹ.
Hơn nữa, hiện trọng tâm cuộc CTTM Mỹ - Trung hiện nay là liên quan đến hàng hóa, nhưng cũng đã có nhiều các DN Mỹ đã kiếm được tiền bằng cách cung cấp các dịch vụ tại thị trường này. Trong khi vẫn chịu thâm hụt thương mại lớn về hàng hóa với Trung Quốc nhưng Mỹ lại có thặng dư đáng kể ở mảng dịch vụ. Số liệu của Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ cho thấy, Mỹ đã thặng dư 40,5 tỷ USD trong mảng xuất khẩu dịch vụ với Trung Quốc trong năm 2018, nổi bật là các lĩnh vực du lịch, phần mềm máy tính, tài chính…
Và rõ ràng, cơ hội ở mảng dịch vụ sẽ ngày càng lớn hơn khi thị trường Trung Quốc ngày càng “chín”. Bởi vậy những người lạc quan vẫn hy vọng rằng, chính “nỗi đau”từ cuộc CTTM cho cả hai bên sẽ thúc đẩy nhu cầu hàn gắn lại các “vết thương”. Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng,Washington và Bắc Kinh cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại.