Ông Trump kêu gọi Fed hỗ trợ trong cuộc chiến thương mại
Những thay đổi chính sách từ Fed |
“Trung Quốc sẽ bơm tiền vào hệ thống của họ và có thể giảm lãi suất, như thường lệ, để bù đắp cho công việc kinh doanh mà họ sẽ thua”, ông Trump phát biểu trên twitter hôm thứ Ba (14/5). “Nếu Cục Dự trữ Liên bang tham gia vào trận đấu, trận đấu sẽ kết thúc, chúng ta sẽ thắng! Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ muốn có một thỏa thuận!”.
Tổng thống sau đó đã nói với các thính giả ở Louisiana rằng, “với một chút nới lỏng định lượng”, tăng trưởng của Hoa Kỳ sẽ đạt 5%, đề cập đến chương trình mua trái phiếu khẩn cấp của Fed được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell về việc Fed tăng lãi suất |
Có thể thấy rõ ý đồ của ông về việc Fed có thể giúp ông trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thông qua những sức ép liên tục được ông tạo ra để buộc Fed triển khai các biện pháp kích thích kinh tế thay vì liên tục tăng lãi suất, ngay cả khi kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất trong 49 năm. Những nhận xét này cũng có thể giúp ông Trump chuyển hướng đổ lỗi cho Fed, nếu cuộc chiến thương mại leo thang khiến nền kinh tế Mỹ sẩy chân, khi ông đang chạy đua để tái đắc cử vào năm 2020.
Tuy nhiên các bình luận này đang khiến nhiều quốc gia lo ngại về việc ông Trump sẵn sàng phá vỡ các chuẩn mực về ngoại giao kinh tế quốc tế vốn đã tồn tại từ lâu nay. Hoa Kỳ từ lâu đã phàn nàn về việc các chính phủ khác gây áp lực chính trị đối với các ngân hàng trung ương và khẳng định chính sách của Fed được ban hành dựa trên các ưu tiên hàng đầu là kinh tế trong nước chứ không phải là bất kỳ cuộc cạnh tranh quốc tế nào.
Tuy nhiên trên thực tế, chiến dịch nới lỏng định lượng mà Fed triển khai sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã giúp giảm giá trị đồng đôla, dẫn tới hàng loạt cáo buộc từ Brazil và các quốc gia khác rằng Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tiền tệ chống lại phần còn lại của thế giới. Thế nhưng thời điểm đó, phía Mỹ khẳng định các giải pháp chính sách tiền tệ phi truyền thống này của mình được triển khai chỉ nhằm mục đích khôi phục tăng trưởng trong nước.
Trên thực tế, ông Trump đã không ít lần chỉ trích việc NHTW Mỹ liên tục tăng lãi suất. Thậm chí trong một lời tweet ngày 30/4, ông Trump còn trực tiếp kêu gọi Fed cắt giảm mạnh lãi suất và tiếp tục mua trái phiếu.
Fed đã tăng lãi suất 4 lần trong năm ngoái. Tuy nhiên quan điểm của Fed đã thay đổi hẳn kể từ khi bước vào năm 2019 với việc phát đi tín hiệu sẽ tạm dừng tăng lãi suất khi họ chờ đợi thị trường lao động mạnh mẽ cuối cùng sẽ đẩy lạm phát tăng lên. Vậy động thái lãi suất tiếp theo của Fed sẽ đi theo hướng nào?
Hiện mặc dù các thị trường tài chính vẫn nuôi kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm tới. Thế nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông cho biết, họ không thấy cơ sở nào cho một động thái như vậy. Họ cũng nhấn mạnh rằng sẽ đưa ra quyết định một cách độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ một sức ép chính trị nào.
Trong một bài phát biểu tại Minneapolis hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed Kansas Esther George cho rằng Fed không cần phải cắt giảm lãi suất để thúc đẩy lạm phát. Bởi trên thực tế, lạm phát thấp ít gây lo ngại cho bất kỳ ai, trừ những người tham gia thị trường tài chính và các nhà kinh tế sợ rằng Fed đang hạ thấp mục tiêu 2% của mình và qua đó sẽ nới lỏng chính sách.
“Khi tôi lắng nghe các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng xung quanh khu vực của mình, tôi chỉ nghe thấy rất ít lời phàn nàn về lạm phát quá thấp… Điều này dẫn tôi đến sự quan sát rằng lạm phát mà các hộ gia đình và doanh nghiệp trải nghiệm khác với lạm phát theo quan điểm của những người tham gia thị trường tài chính và nhiều nhà kinh tế”, Esther George nói.
Theo bà, hầu hết mọi người và chủ doanh nghiệp nhìn vào các chi phí như xăng dầu, thực phẩm, chi phí nhà ở và chăm sóc sức khỏe và thấy giá tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, ít có lý do để giảm lãi suất. Thậm chí bà lo ngại việc giảm lãi suất sẽ làm giảm sự linh hoạt đối với chính sách của Fed trong trường hợp suy thoái kinh tế.
“Mức độ lạm phát hiện nay có thể khiến các nhà ngân hàng trung ương và những người tham gia thị trường tài chính bối rối; nhưng theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển và tăng trưởng việc làm vẫn tốt, không cần bất kỳ một phản ứng chính sách nào của Fed”, bà nói.
Mặc dù vậy, những rủi ro xuất phát từ cuộc chiến thương mại đang có xu hướng leo thang đang che mờ triển vọng kinh tế Mỹ và cả toàn cầu; đồng thời làm rối loạn thị trường tài chính toàn cầu. Chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh vào thứ Hai (13/5) sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ bất chấp việc ông Trump đe sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hôm thứ Hai đã công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ USD bao gồm quần áo trẻ em, đồ chơi, điện thoại di động và máy tính xách tay mà ông Trump đe dọa sẽ đánh thuế với mức 25%.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có thể sẽ sớm đến thăm Trung Quốc và ông muốn các cuộc đàm phán thương mại sẽ tiếp tục, một quan chức Bộ Tài chính cao cấp nói với các phóng viên vào thứ Ba và nói thêm rằng, ông Trump đang lên kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp G20 vào cuối tháng Sáu.