Kết nối nông sản thực phẩm sạch
Hồi phục nhờ ngân hàng | |
Doanh nghiệp... chờ thành phố cam kết | |
Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Thêm sắc thắm cho sen hồng |
Cuối tháng 3/2016 vừa qua, Sở Công Thương TP.HCM đã tổng kết 5 năm chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM với các tỉnh, thành khu vực Đông và Tây Nam bộ giai đoạn 2011 – 2015. Những thống kê của đơn vị này cho thấy, sau 5 năm, các DN đồng hành cùng chương trình đã thực hiện đầu tư 75 dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị... với tổng số vốn đầu tư ước khoảng trên 27.400 tỷ đồng.
Từ việc đầu tư các trang trại, nhà máy, siêu thị nói trên, các DN đã tiến hành nhiều đợt ký kết tiêu thụ sản phẩm với người nông dân tại các địa phương. Cụ thể, đã có trên 1.300 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được các DN tại TP.HCM ký kết với các đơn vị DN, hợp tác xã tại các tỉnh, thành khác. Doanh thu giao thương hai chiều giữa TP.HCM với các tỉnh Đông – Tây Nam bộ thông qua chương trình này tăng thêm trên 22.100 tỷ đồng trong vòng 5 năm.
Ảnh minh họa |
Nhìn vào những kết quả đạt được của chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam cũng như sự đầu tư mạnh mẽ của các DN vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm sạch có thể nhận thấy rằng, hiện nay lĩnh vực nông sản – thực phẩm đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của các NHTM.
Bởi thực tế cho thấy, hầu hết các dự án nhà máy chế biến nông sản, các trang trại, cơ sở sản xuất lớn của các DN như Vissan (thịt gia súc, gia cầm), Ba Huân (trứng sạch), Sơn Hà (giết mổ gia cầm), Vinamilk, Nutifood (chế biến sữa),… đều sử dụng một phần lớn nguồn vốn vay các NHTM thông qua các chương trình như: chương trình kết nối NH – DN, chương trình bình ổn thị trường do ngành Ngân hàng chủ động thực hiện.
Ghi nhận của NHNN Chi nhánh TP.HCM cho thấy, sau 3 năm (2013-2015) thực hiện chương trình cho vay bình ổn thị trường với sự tham gia của các NHTM, ngân sách thành phố đã không phải chi để hỗ trợ các DN mà nguồn vốn được các TCTD chủ động cung ứng tăng đều qua các năm.
Cụ thể, nếu như năm 2013 chỉ có 5 NHTM tham gia với tổng nguồn vốn 1.960 tỷ đồng thì đến năm 2016 số NHTM tham gia chương trình đã tăng lên gấp đôi, lượng vốn cam kết cho vay tăng gấp hơn 6 lần, đạt mức 12.900 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn vay lãi suất 5,5-6%/năm, hơn 20 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM đã đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất, 54 trang trại nuôi trồng, 53 siêu thị, trung tâm thương mại, tại các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL với tổng vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng.
Ngoài chương trình bình ổn thị trường diễn ra thường niên, từ 2012 tới nay, nhờ có chương trình kết nối NH – DN, các TCTD trên địa bàn TP.HCM cũng đã cho vay khoảng gần 250 ngàn tỷ đồng nữa để các DN (trong đó có các DN hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm) phát triển sản xuất kinh doanh.
Riêng trong năm 2016, các NHTM trên địa bàn thành phố cũng đã cam kết một gói tín dụng mới cho chương trình này là 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD. Trong số này chắc chắn một phần không nhỏ sẽ được dồn cho các DN khối ngành nông nghiệp – thực phẩm. Bởi mục tiêu của chương trình kết nối NH – DN năm nay là các NHTM không chỉ là đầu tư mạnh vào các DN thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên mà còn đầu tư vào cả nhóm các DN thuộc đối tượng ưu đãi, khuyến khích theo các chương trình riêng của TP.HCM như: chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị; chương trình bình ổn thị trường…
Với tất cả những trình bày ở trên, hoàn toàn có thể khẳng định rằng, trong thời gian tới, nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến - thương mại các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam sẽ có thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn rẻ để phát triển chuỗi hàng hóa nông sản sạch, an toàn.
Từ đó cũng cho thấy rằng, nguồn vốn tín dụng đang có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển hệ thống sản xuất – phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm sạch, chủ động phối hợp với các bộ ngành và địa phương quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi thực phẩm “bẩn” theo chỉ đạo của Chính phủ.