Kêu gọi đầu tư BOT cao tốc Bắc - Nam khó khả thi
Cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông: Cần thêm giải pháp thu hút vốn ngoại | |
Phó Thủ tướng yêu cầu tìm giải pháp thu xếp vốn cho Dự án cao tốc Bắc - Nam |
Theo ước tính sơ bộ của Chính phủ, nguồn vốn để xây dựng giai đoạn 1 của dự án từ năm 2017-2020 là 118.716 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước là 55.000 tỷ đồng (chiếm 39%), số vốn này dùng để lập dự án khả thi, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu… Phần còn lại 63.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ tư nhân; trong đó có khoảng 13.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu của NĐT, số vốn còn lại khoảng 50.000 tỷ đồng sẽ được NĐT vay từ các NH.
Đánh giá về khả năng huy động vốn trong nước, một số NĐT cho rằng việc tiếp tục huy động nguồn vốn dài hạn trên thị trường trong nước là rất khó khả thi do các NHTM đã thận trọng hơn trong việc cung cấp tín dụng cho các dự án đầu tư hạ tầng.
Theo quy định tại khoản 1 điều 128 Luật Các TCTD, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của các tổ chức này.
Bên cạnh đó, các NHTM còn phải xem xét và khống chế mức tăng trưởng tín dụng để đảm bảo tín dụng không tăng trưởng nóng, gây ra rủi ro. Đó cũng là lý do tại sao thời gian qua một số dự án BOT trước đây đã được NH cam kết cung cấp tín dụng, song hiện nay lại bị từ chối do xét thấy tiềm ẩn nhiều vấn đề.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, số vốn 50.000 tỷ đồng vay từ các NH không phải được huy động cùng một lúc, mà dự kiến chia ra 4 năm, mỗi năm vay 12.000 tỷ đồng. Ông cho biết con số này chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống NH và Chính phủ sẽ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng trong nước.
Vì vậy, đối với NĐT trong nước, vấn đề vốn đầu tư thực ra không phải quá khó khăn. Thay vào đó, theo phản ánh của các NĐT, hiện nay hàng loạt cơ chế, chính sách bất cập liên quan đến BOT còn chưa được giải quyết, người dân vẫn phản đối gay gắt các dự án BOT khiến NĐT rất e dè khi tiếp cận dự án cao tốc Bắc - Nam.
Đối với nguồn vốn nước ngoài, Bộ Giao thông - Vận tải đã tổ chức tham vấn các NĐT tiềm năng, các NH tiềm năng và các tổ chức tài chính quốc tế. Tất cả các ý kiến tham vấn đề nêu rõ quan ngại: quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều; mức tín nhiệm quốc gia chưa cao; công tác giải phóng mặt bằng quá phức tạp, không kiểm soát được giá thành và tiến độ…
Các NĐT nước ngoài và NH nước ngoài đều mong Chính phủ chia sẻ các rủi ro thuộc về chính sách do Chính phủ quản lý, trong đó các rủi ro nhất thiết cần có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ 3 gồm rủi ro về doanh thu; rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ; rủi ro về thực hiện trách nhiệm của Chính phủ; rủi ro về tiến độ và chi phí giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Danh Huy dẫn chứng về yêu cầu của NĐT nước ngoài trong việc Chính phủ phải bảo lãnh doanh thu. Theo đó, nếu doanh thu sụt giảm dưới 80%, nhà nước bù cho đủ 80%, còn lại NĐT chấp nhận lỗ. Nếu lợi nhuận đạt trên 20% thì nhà nước được chia sẻ phần lợi nhuận vượt lên đó. Tuy nhiên đây là quy định chưa từng có tiền lệ.
So sánh với thông lệ quốc tế, ông Huy cho biết, đối với các nước có điều kiện tương tự Việt Nam giai đoạn đầu áp dụng mô hình PPP đều được Chính phủ cung cấp bảo lãnh. Sau đó khi NĐT đã bắt đầu mạnh hơn về tài chính thì bảo lãnh doanh thu của Chính phủ mới giảm dần.
Ví dụ Hàn Quốc giai đoạn năm 1995 - tháng 5/2003, Chính phủ cung cấp bảo lãnh doanh thu cả vòng đời dự án; giai đoạn tháng 5/2003 - tháng 1/2006 bảo lãnh trong vòng 15 năm; giai đoạn 2006 chỉ cung cấp bảo lãnh cho các dự án cấp bách trong vòng 10 năm. Ngoài ra, các nước như Mexico, Ấn Độ, Philippines… cũng đều có các hình thức bảo lãnh tương tự. Với cơ chế như hiện nay, thực tế đã chứng minh khả năng huy động NĐT nước ngoài và vốn thương mại nước ngoài là không khả thi.
Để có thể huy động vốn ngoại vào BOT, các NĐT nước ngoài khuyến nghị Chính phủ cần chấp thuận các vấn đề lớn gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu; cam kết chuyển đổi ngoại tệ; bảo hiểm bên thứ 3 thay thế Chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng. Hành lang pháp lý và điều kiện hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh này.
Đồng thời, xét theo quy định hiện hành thì cơ bản các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng điều kiện được cung cấp bảo lãnh. Nếu các vấn đề này không sớm được tháo gỡ, thì việc gọi vốn ngoại vào các dự án BOT sẽ tiếp tục đi vào bế tắc khi không ít NĐT đã quan tâm, đến tìm hiểu dự án, sau đó đều lặng lẽ rời đi.