Khi chợ thủy sản thành điểm du lịch
Cáp treo: Lợi và hại | |
Đà Nẵng quyết giữ sạch biển |
Mô hình hiện đại
Cảng cá Thọ Quang, nằm trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, (TP. Đà Nẵng). Cảng cá này nằm khá gần khu vực trung tâm Đà Nẵng, khi chỉ cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 10km, cách trung tâm thành phố chừng 5km.
Cảng cá Thọ Quang chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004, với diện tích 25ha mặt đất và 58ha mặt nước. Vùng nước âu thuyền có sức chứa khoảng 800 tàu. Đây là nơi tàu cá của ngư dân miền Trung thường neo đậu buôn bán thủy hải sản, tiếp nhiên liệu cùng các dịch vụ hậu cần nghề cá...
Cảng cá Thọ Quang đang là “điểm nóng” về ô nhiễm tại Đà Nẵng |
Nhằm phát triển, nâng cấp cảng cá này dự án cảng cá Thọ Quang đang là một trong những dự án được địa phương ưu tiên kêu gọi đầu tư. Theo ban xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, dự án sẽ được kêu gọi thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP), với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án, nhằm hình thành trung tâm nghề cá vùng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, dựa trên cơ sở thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng… Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế thủy sản ở khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.
Đặc biệt, dự án cũng sẽ tập trung xây dựng bến cảng hiện đại đạt chuẩn, kết nối với cảng Tiên Sa, phát triển hạ tầng phụ trợ bến cảng toàn diện, hợp tác tiêu thụ sản phẩm hải sản, nâng cao năng lực quản lý điều hành, giải quyết vấn đề môi trường.
Trong đó, dự án này cũng sẽ nâng cấp, mở rộng chợ thủy sản kết hợp chuỗi nhà hàng phục vụ du khách, du lịch. Với dự án này, TP. Đà Nẵng kỳ vọng đây không đơn thuần chỉ là cảng cá mà còn kết hợp phát triển hệ thống nhà hàng, du lịch. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những địa chỉ du lịch mới ở địa phương, nơi du khách đến tham quan chợ thủy sản, cảng cá kết hợp với thưởng thức ẩm thực.
Thực tế, trên thế giới mô hình cảng cá kết hợp chợ thủy sản và hệ thống nhà hàng đã được xây dựng ở nhiều quốc gia. Mô hình này cũng khá phát triển tại một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Với dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang, nhiều người kỳ vọng Đà Nẵng cũng sẽ xây dựng được mô hình chợ thủy hải sản thành điểm du lịch như ở Đài Loan hay Nhật Bản...
Một thuận lợi cho việc thực hiện dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang là TP. Đà Nẵng cũng đã được quy hoạch là 1 trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước. Cụ thể, theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013, Đà Nẵng là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường truyền thống Biển Đông và Hoàng Sa.
Nỗi lo ô nhiễm
Mặc dù, nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt là một trong những trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, việc mở rộng cảng cá Thọ Quang cũng đang có những luồng dư luận khác nhau. Trong đó, nổi lên là vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực này đang rất trầm trọng. Liệu xây dựng, nâng cấp cảng cá này có phá vỡ quy hoạch, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động du lịch?
Trên thực tế, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay khu vực cảng cá Thọ Quang đã trở thành điểm “nóng” nơi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vào mùa mưa bão số lượng tàu thuyền của ngư dân ghé về đây có lúc quá tải, khi lên đến 1.200 đến 1.300 chiếc.
Đặc biệt, với việc quá tải số lượng tàu thuyền, hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản ở khu vực cũng góp phần khiến việc ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng nghiêm trọng hơn. Có thời điểm, do lượng rác thải lớn, nước trong âu thuyền đen đục ngầu, bốc mùi hôi thối...
Nguồn nước ở đây bị ô nhiễm, đen đặc, hôi thối, rác thải tràn ngập, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các tàu thuyền neo đậu mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của dân cư xung quanh. Ông Hà Mạnh T. một người dân địa phương cho biết, trong những năm qua, người dân sinh sống ở quanh khu vực này nhiều lần phản ánh, yêu cầu các cơ quan chức năng có giải pháp cải thiện chất lượng môi trường nước, không khí... Song, tình hình vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm.
Trước nỗi lo ô nhiễm môi trường nên việc dự án nâng cấp cảng cá Thọ Quang, thành một điểm du lịch đang nhận được những ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, việc xây dựng phát triển cảng cá hoàn toàn có thể gắn với phát triển du lịch chứ không nhất thiết phải lựa chọn “có cái này sẽ không có cái kia”. Việc phát triển nghề cá sẽ không làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch, bảo đảm được quyền lợi của ngư dân cũng như các hộ dân xung quanh.
Các ý kiến này lập luận, trên thế giới nhiều cảng cá cũng được quy hoạch nằm ngay trong khu vực cũng gần ngay trung tâm thành phố như Đà Nẵng. Song, vẫn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Thậm chí người ta còn tổ chức tour tới tham quan cảng cá.
Trong khi đó, phần đông các ý kiến lại e ngại mở rộng cảng cá có thể dẫn đến việc không có đủ khả năng kiểm soát sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường vốn đã nghiêm trọng nay lại càng nghiêm trọng hơn. Điều này, lợi bất cập hại đối với phát triển ngành “công nghiệp không khói” vốn đang được Đà Nẵng xác định là mũi nhọn để phát triển.
Đại diện một doanh nghiệp du lịch ở thành phố cho rằng, văn hóa giao thương, cơ sở hạ tầng, giải pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng chưa thể so sánh với các địa phương ở Nhật Bản hay những nước tiên tiến trong khu vực.
Khó ai dám chắc việc nâng cấp cảng cá Thọ Quang thành điểm du lịch sẽ không gây ô nhiễm môi trường, thu hút được du khách. Bởi vậy, dự án này cần được tiến hành thận trọng, tránh việc khi đi vào hoạt động xảy ra ô nhiễm môi trường, gây lãng phí tốn kém cho khâu xử lý hậu quả.