Khi đầu tư ra nước ngoài tăng mạnh
Nguy cơ Hàn Quốc và Trung Quốc trả đũa thương mại | |
Thống đốc PBoC nói lãi suất nhân dân tệ sẽ ổn định trong năm nay | |
Trung Quốc tăng cường đầu tư bất động sản ở nước ngoài |
Nhiều công ty tại Trung Quốc đã đầu tư một lượng vốn lớn ra nước ngoài, chỉ trong một vài tháng ngay sau khi thị trường chứng khoán lao dốc vào mùa hè năm 2015, và trước khi Trung Quốc tăng cường hiệu lực của các quy định kiểm soát chuyển tiền vào tháng 2/2016.
Với những gì đang diễn ra thì nhiều dự báo cho rằng, dòng tiền đầu tư chảy ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay. Đây hiện là một thực tế gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc trong khoảng thời gian khi quốc gia này đang phải để mắt tới dòng tiền ra khỏi nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Trước diễn biến đó, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp để thay đổi tình hình. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc - Zhong Shan đã lên tiếng chỉ trích những khoản đầu tư ra nước ngoài mù quáng và không hợp lý của các công ty Trung Quốc.
Đồng thời, trong cuộc họp thường niên của Quốc hội, chính ông cũng cho rằng các cơ quan quản lý cần phải có kế hoạch tăng cường giám sát các công ty nhỏ. Theo ông Zhong thì sẽ có nhiều công ty phải trả giá cho việc này, thậm chí có những công ty đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh quốc gia.
Bên cạnh đó, Zhou Xiaochuan – chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã tỏ ra nghi ngại về các thương vụ đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong thời gian gần đây, khi có nhiều dự án đầu tư không phù hợp với các quy định của pháp luật và các chính sách đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực giải trí, câu lạc bộ và thể thao. Điều đó sẽ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc mà nó sẽ là ngòi nổ cho những đàm tiếu từ bên ngoài.
Tất cả những ý kiến đó sẽ là minh chứng rõ ràng cho việc chính phủ sẽ hãm phanh các khoản đầu tư ra nước ngoài “tai tiếng” của các công ty lớn – vốn dĩ nổi danh có nhiều tiền hơn là khả năng đàm phán kinh doanh. Và không biết có phải là một sự trùng hợp hay không khi vào cuối tuần trước thương vụ mua bán trị giá 1 tỷ USD giữa công ty sản xuất phim ảnh giải trí Dick Clark với Tập đoàn Dalian Wanda – Tập đoàn kinh doanh BĐS có công ty kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim đã không đi đến hồi kết mặc dù hiện tại Dalian Wanda chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Tại Trung Quốc gần đây các công ty, tập đoàn kinh tế lớn mang tính gia đình có xu hướng tăng cường đầu tư ra nước ngoài trước nỗi lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế trong nước, sự suy yếu của đồng nội tệ và hàng loạt các vấn đề khác.
Theo tính toán thì dòng vốn chảy ra ngoài nền kinh tế trong lúc này là rất đắt đỏ khi mà Trung Quốc đã phải bỏ ra 1 nghìn tỷ USD trong vòng 2,5 năm để chống đỡ cho giá trị của đồng bản tệ - điều đó đe dọa làm suy giảm những nỗ lực của quốc gia trong việc hỗ trợ tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong nền kinh tế.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã gia tăng những nỗ lực của mình trong việc kiểm soát các dòng vốn – thể hiện qua việc thắt chặt giới hạn dòng tiền được phép ra khỏi nền kinh tế. Vào cuối tháng 11 năm ngoái, bất kỳ một khoản tiền nào có giá trị từ 5 triệu USD trở lên muốn chuyển ra khỏi nền kinh tế cũng bị yêu cầu là phải có sự chấp thuận đặc biệt.
Cơ quan quản lý tiền tệ cũng yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ và không được chuyển quá nhiều tiền ra nước ngoài qua tài khoản cho khách hàng. Quy định này không chỉ trở nên chặt chẽ đối với hoạt động mua lại hay sáp nhập công ty mà nó còn được đặt ra đối với hoạt động chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các công ty quốc tế hoạt động tại Trung Quốc.
Theo ông Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng thương mại của Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, việc chuyển cổ tức ra nước ngoài hiện tại có rất nhiều khó khăn, để chuyển tiền thanh toán cổ tức, các công ty đến từ khu vực châu Âu phải hoàn thiện rất nhiều giấy tờ và thời gian thực hiện bị kéo dài, và thường mất vài tháng nếu khoản tiền chuyển ra là có quy mô.
Mặc dù vậy, theo ý kiến của chuyên gia đến từ PBoC thì hiện tại việc chuyển cổ tức không phải là đối tượng bị điều tiết bởi các quy định giới hạn, cho dù sau đó ông cũng không nói rõ thêm về vấn đề này.
Giới chức Trung Quốc cho biết, các quy định mới của Trung Quốc liên quan đến việc giới hạn dòng vốn ra khỏi đất nước là một nỗ lực để thúc đẩy các khoản đầu tư có trách nhiệm hơn là việc chống đỡ cho hệ thống tài chính trong nước.
Theo ông Zhong, về dài hạn Trung Quốc sẽ không thay đổi các chính sách khuyến khích các công ty trong nước hội nhập mạnh mẽ hơn vào kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các giới hạn này có thể làm cho nhà đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn khi bỏ tiền đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm mà chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều trái phiếu và thực hiện nhiều dự án đầu tư hơn để cân bằng với dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế.
Hơn nữa, những quy định đó cũng dấy lên một câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có vi phạm các cam kết với IMF trong quá trình nỗ lực nâng cao tính chuyển đổi của đồng Nhân dân tệ.