Khi người lao động “nghỉ hưu non”
Họp bàn tăng lương tối thiểu 2018: Tổng Liên đoàn Lao động nhượng bộ? | |
Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện: Thêm kênh đầu tư cho người lao động |
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho khoảng 62.000 lượt người; giải quyết trợ cấp một lần cho khoảng 327.000 lượt. Rất nhiều trong số giải quyết trợ cấp một lần là người lao động trên 35 tuổi.
Lý giải về hiện trạng trên, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay đang có hiện tượng DN sa thải người lao động trên 35 tuổi. Thực thế này đang khiến nhiều lao động phổ thông (không đòi hỏi chuyên môn, tay nghề cao...) không an tâm lao động vì lo ngại dễ “nghỉ hưu non”; quan trọng hơn, tình trạng “cho người lao động nghỉ hưu non” từ các doanh nghiệp, đang gây tác động ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thêm, từ kết quả khảo sát tại 64 DN thời gian qua cho thấy, có nhiều lao động chỉ làm việc tại DN từ 6 - 7 năm rồi nghỉ. Độ tuổi của các lao động tại thời điểm nghỉ việc thường từ 31- 32 tuổi và rất ít người làm đến năm 35 tuổi. Đối tượng này chủ yếu là người lao động trực tiếp tại các DN sử dụng nhiều lao động, gia công chế biến, không yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật, có thể nhanh chóng đào tạo.
Theo các chuyên gia, việc các DN cho thôi việc với người lao động ở độ tuổi từ 30 đến 35 bởi DN cho rằng ở độ tuổi này, sức khỏe người lao động bắt đầu kém đi, khả năng tiếp thu công nghệ, máy móc kỹ thuật hiện đại không còn nhanh nhạy.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), việc sa thải công nhân trên 35 tuổi của DN là để tuyển lao động trẻ hơn, nhằm tăng năng suất, giảm chi phí. Thường các DN khi cho lao động trên 35 tuổi nghỉ việc đều có sự đàm phán và trả khoản trợ cấp cao hơn trợ cấp của bảo hiểm xã hội.
Điều này dẫn tới việc bảo hiểm xã hội phải chi trả cho người lao động một khoản tiền trợ cấp theo quy định của pháp luật, đồng thời làm gia tăng lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp, gây nhiều áp lực, đẩy bảo hiểm xã hội vào thế khó. Ngoài ra, nếu lao động trên 35 tuổi hoặc trẻ hơn bị DN cho nghỉ việc, những lao động này rất khó khăn để tìm công việc mới có thu nhập ổn định do “quá lứa lỡ thì”.
Chính vì điều này, nhiều ý kiến cho rằng, việc sa thải người lao động ở tuổi trên 35 là rất lãng phí nguồn nhân lực vì theo luật, độ tuổi lao động ở nước ta hiện nay quy định là 55 đối với nữ và 60 đối với nam. Để hạn chế, tháo gỡ tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng về mặt chính sách, các cơ quan hữu quan cần sớm có những điều chỉnh ràng buộc các DN sử dụng lao động sau 35 tuổi, đồng thời tuyên truyền để tăng cường trách nhiệm xã hội của DN.