“Nghẹt thở” vì kiểm tra chuyên ngành
Khổ vì kiểm tra chuyên ngành | |
Kiểm tra chuyên ngành tập trung: DN xuất nhập khẩu bớt khổ |
Công tác kiểm tra chuyên ngành là cần thiết nhưng không nên quá… |
Mới đây, nhiều DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện tử, điện lạnh tại TP. Hồ Chí Minh lại tiếp tục “tố khổ” vì quy trình quản lý chuyên ngành, dán nhãn năng lượng phức tạp, nhiêu khê khiến cho DN tốn kém hàng trăm triệu đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, khó khăn.
Phó tổng giám đốc của một DN cho biết, hiện nay thủ tục, quy trình dán nhãn năng lượng phải trải qua 2 giai đoạn, do 2 cơ quan khác nhau thực hiện (việc thử nghiệm do tổ chức được Bộ Công Thương chỉ định còn việc cấp giấy chứng nhận (GCN) dán nhãn do Tổng Cục Năng lượng cấp).
Với quy định như vậy, mọi lô hàng nhập khẩu, dù mã hàng đó đã từng được kiểm định, đã được cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng, nhưng nhập khẩu lần khác hoặc DN khác nhập khẩu mặt hàng đó vẫn phải thực hiện thử nghiệm, xin cấp GCN dán nhãn như mặt hàng mới.
Ngoài ra, một GCN dán nhãn cho một sản phẩm lại không có giá trị cho mọi lô hàng cùng loại, của mọi DN, và chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng. Điều này, dẫn đến chi phí phát sinh rất lớn, để thử nghiệm một sản phẩm DN phải bỏ thêm chi phí hàng chục triệu đồng, tổng “thiệt hại” đối với một lô hàng có khi lên đến vài trăm triệu.
Đại diện của Công ty Sony Việt Nam còn thẳng thắn chỉ ra sự “tréo ngoe” trong quy định, thông tư “đá” nghị định. Cụ thể, Luật Năng lượng quy định nhãn năng lượng phải được dán trước khi đưa ra thị trường, nhưng Thông tư 07/2012/TT-BCT lại quy định phải dán nhãn trước khi thông quan, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hoá. Rõ ràng, do kết quả thử nghiệm luôn phải có trước GCN (hàng tháng) nên hết hạn trước, không thể dùng để xin cấp GCN, nhưng DN vẫn phải làm thử nghiệm lại, như vậy chẳng khác gì làm khó DN.
Mặc dù ở một lĩnh vực khác, những DN trong lĩnh vực dệt may cũng điêu đứng, khổ sở không khác gì “nạn nhân” của việc quản lý chuyên ngành. Trong đó, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2009/TT-BCT trước đây và Thông tư 37/2015/TT-BCT đến nay vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Thực tiễn 7 năm kiểm tra, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định.
Theo Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, từ khi thực hiện những quy định quản lý đến nay, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng sản phẩm dệt may làm thủ tục nhập tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyte, nhưng chỉ có 6 trường hợp (tức 0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định. Công ty may Nhà Bè cho biết, trong suốt 7 năm bị kiểm tra, không lô hàng nào không đáp ứng hàm lượng quy định.
Vậy mà, trong thời gian này, DN phải trả hàng trăm tỷ chi phí cho việc kiểm tra, làm tăng thời gian thông quan hàng hoá (mỗi lô hàng mất từ 3 - 7 ngày, mỗi năm có nhiều nghìn lô hàng, gây lãng phí nhiều nghìn ngày). Thực tiễn cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyt cao quá mức quy định.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án GIG, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát, Tổng Cục Hải quan đưa ra tính toán rất cụ thể để minh chứng cho thiệt hại, cũng như khó khăn mà các DN đang phải gánh chịu. Đến nay, chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm, thậm chí các chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn trước.
Theo số liệu của Hải quan TP. HCM, cả năm 2015 có khoảng 56.270 tờ phải kiểm dịch, số tờ khai phải kiểm tra ATTP là 132.356 tờ; số tờ khai phải kiểm tra chất lượng 407.802 tờ... Tổng cộng, cả năm có 830.486 lô hàng nhập khẩu phải làm thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Về mức chi phí kiểm tra chuyên ngành tối thiểu cho một tờ khai, tạm tính phí kiểm dịch là 200.000 đồng, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng. Như vậy, tổng số chi phí cho thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành riêng đối với hàng hoá nhập khẩu làm thủ tục tại hải quan TP. HCM tính tròn sẽ là 1.091 tỷ đồng.
Thông thường, lượng tờ khai xuất nhập khẩu của hải quan TP. HCM chiếm khoảng gần 50% tổng số tờ khai toàn quốc, còn lại lượng tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phát sinh ở tất cả 32 đơn vị hải quan tỉnh, thành phố như vậy tổng chi phí cho 3 loại kiểm tra chuyên ngành là kiểm dịch, kiểm tra ATTP, kiểm tra chất lượng trong cả nước lên đến 1.636 tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể những chi phí khác, thậm chí cả phí bôi trơn...
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong quá trình hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các DN trong nước, quy định luật pháp, quy trình thủ tục quản lý, nhất là đối với quản lý chuyên ngành, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã từng bước được rà soát, sửa đổi những điểm bất hợp lý để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên quá trình chuyển đổi diễn ra còn chậm, đòi hỏi các cấp ngành cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tiến trình diễn ra nhanh chóng, kịp thời nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.