Khơi dậy những tiềm năng vùng đất biển
Chúng tôi về Tiền Hải, Thái Bình vào một ngày cuối tuần tháng 7. Cái nắng chói chang của trưa hè đầy oi bức, ngột ngạt khiến ai cũng mệt mỏi. Nhưng chúng tôi vẫn thấy Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Tiền Hải Phạm Hữu Chuyên đang xắn tay áo, tất bật cùng anh em chuyển đổi vị trí của máy ATM. Lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt, anh bảo: “Chúng tôi phải tranh thủ chuyển máy trong ngày nghỉ để không ảnh hưởng đến giao dịch của người dân”.
Quả vậy, ở một huyện mà vị thế công nghiệp và du lịch đang lên, hoạt động của chi nhánh ngày càng bận rộn. Không chỉ phục vụ nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn mà còn là trợ lực quan trọng giúp người dân và địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy vị thế của một huyện có bờ biển đẹp và nhiều tiềm năng cho du lịch và công nghiệp khai khoáng…
10 năm trở lại, tôi cảm nhận rõ những đổi thay trên vùng đất biển Tiền Hải. Đô thị hoá không chỉ nhìn thấy rõ nét nơi thị trấn mà đang lan về từng thôn xóm với những con đường đã được bê tông hóa kiên cố, những làng xóm trù phú nhiều nhà cao tầng xen giữa những đồng lúa xanh mướt. Từ một vùng đất nghèo, đến nay, Tiền Hải đã “thay da đổi thịt” trở thành một trong những vùng đất có nền kinh tế phát triển nhất tỉnh Thái Bình với hơn 2/3 số xã đạt tiêu chí nông thôn mới trong 2015 và câu chuyện về đích nông thôn mới trong năm 2016 đang dần thành hiện thực.
Cũng bởi, Tiền Hải hội tụ trong mình nhiều tiềm năng kinh tế biển, người dân cần cù chịu khó, cùng những định hướng phát triển kinh tế tầm nhìn xa của lãnh đạo từ tỉnh đến huyện. Thêm một lực đẩy nữa đó chính là vốn ngân hàng trong đó Agribank Chi nhánh Tiền Hải đóng vai trò chủ đạo đầu tư tín dụng cho mảnh đất này trong hàng chục năm qua. Sự ăn sâu bám rễ của chi nhánh trên địa bàn càng cảm nhận rõ qua những lời chào của người dân trong làng xã dành cho tín dụng phụ trách địa bàn với cách xưng tên thân tình như anh em, người làng, người nước.
Để đạt được những điều đó là cả một quá trình lao động vất vả, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm của từng cán bộ chi nhánh Agribank Tiền Hải - những chiến sỹ trên "mặt trận" đưa vốn về nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống của người dân một cách đáng trân trọng. Nó lại càng đáng trân trọng hơn rất nhiều khi mà những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, sản xuất nông nghiệp sụt giảm... Tất cả những điều đó đã tác động không nhỏ đến hoạt động của hệ thống Agribank, nhất là những chi nhánh đứng chân trên một vùng đất thuần nông như Tiền Hải.
Quang cảnh lễ bàn giao và hạ thủy tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 |
Trong bối cảnh khó khăn đó, chính sách tín dụng của chi nhánh lại càng được chắt lọc, luôn bám sát địa bàn hoạt động, định hướng phát triển hàng năm của địa phương để tập trung đầu tư tín dụng các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi trang trại, gia trại, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Dòng vốn giải ngân cũng đặt thêm trọng tâm đầu tư cho các hộ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên vốn trung và dài hạn đầu tư cho các cơ sở, dịch vụ cung ứng vật tư cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp…
Tính đến hết quý 2/2016, nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt hơn 1.044 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 849,565 tỷ đồng với 12.472 hộ còn dư nợ. Riêng trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết cho hơn 6.372 lượt khách hàng vay vốn với bình quân hộ vay 84,52 triệu đồng. Dòng chảy vốn đủ mạnh và phủ rộng là điểm tựa để các hoạt động dịch vụ nông nghiệp ở địa phương được mở rộng, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa có giá trị cao. Bên cạnh đó, chi nhánh còn luôn đồng hành và chia sẻ với khách hàng, nhất là những khách hàng gặp khó khăn hoặc rủi ro vì các nguyên nhân khách quan như cơ cấu lại thời hạn vay, giảm lãi suất.
Ví như gia đình anh Đặng Thế Huyễn (xã Vũ Lăng), từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong gia đình, tăng gia sản xuất đến nay anh đã có một trang trại diện tích hơn 5ha được xây dựng với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, trong đó vốn vay từ ngân hàng gần 8 tỷ đồng. Với mô hình nuôi công nghiệp quy mô 3.000 lợn nái ngoại và lợn thịt, mỗi năm trang trại của anh Huyễn cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt lợn và hàng nghìn lợn giống. Doanh thu năm 2015 đạt gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Đồng vốn của Agribank Tiền Hải nhiều năm qua đã chảy trên các xã ven biển Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh, Đông Hoàng, Đông Hải... giúp hàng ngàn hộ dân củng cố đầm, mua giống tôm, cua, ngao, vạng và thức ăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. 27 làng nghề, xã nghề của huyện cũng nhờ có dòng vốn của chi nhánh mà khôi phục lại và phát triển tạo việc làm cho hàng ngàn lao động duy trì nghề gốm sứ, đồ gỗ, cơ khí, đan lưới cước, sản xuất vật liệu xây dựng.
Chiếc tàu cá vỏ thép mang theo tấm lòng của các cán bộ Agribank Tiền Hải |
Những ngày này, anh Chuyên cùng các cán bộ chi nhánh Agribank Tiền Hải lại đang tất bật chuẩn bị cho lễ bàn giao tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 cho ngư dân. Chiếc tàu được hạ thủy không chỉ nhờ đồng vốn của chi nhánh mà còn mang theo tấm lòng của các cán bộ Agribank đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển.
Thế nhưng dường những thành quả đó với Giám đốc Chuyên là chưa đủ. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh rất trăn trở khi mà tiềm năng của địa phương vẫn chưa được khai mở hết để cải thiện đời sống cho người dân ví như nguồn khí mỏ và nguồn nước khoáng dồi dào với trữ lượng lớn, cùng với đó là tiềm năng du lịch với hai bãi biến nổi tiếng là Cồn Vành và Đồng Châu. Trong bối cảnh thu nhập từ trồng cấy không còn trở lên hấp dẫn đây là miền đất hứa cho người dân chuyển đổi sinh kế hướng vào dịch vụ du lịch, đưa du lịch trở thành một trong những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế huyện.
Nhưng những suy tư đó không chỉ ngân hàng muốn là được mà còn cần có sự trợ lực từ chính quyền địa phương cả về quy hoạch cũng như cơ sở hạ tầng ban đầu để làm nền tảng cũng như “mồi câu” đầu tư du lịch và thu hút khách.
Đứng trên con đường ra Cồn Vành nhiều đoạn hai chiếc xe ô tô tránh nhau cũng khó, anh Chuyên ưu tư, giá như tuyến đường được mở rộng hơn thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Cồn Vành để biến nơi đây trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng không chỉ phục vụ cho một số ít người dân trong tỉnh như hiện nay. Không chỉ người dân có thêm công ăn việc làm mà kinh tế huyện tiến gần hơn tới mục tiêu chiến lược đến đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 trở thành một huyện phát triển của tỉnh với hai mũi nhọn kinh tế là công nghiệp và du lịch.