Khu vực miền Trung cần hợp tác phát triển và phòng chống thiên tai
14 tỉnh miền Trung kéo dài từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận, tuy nhiên 9 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên là những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đói nghèo nên việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này không bền vững.
9 tỉnh Duyên hải là vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú, lợi thế về địa lý, kinh tế, nguồn nhân lực trẻ dồi dào nhưng vùng này đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó biến đổi khí hậu và lụt bão là hai trở ngại lớn. Khu vực này cũng là nơi thu hút nguồn đầu tư hạn chế nên phát triển chậm hơn hai đầu đất nước.
Về phát triển bền vững trong giai đoạn tới, các đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, cần ưu tiên phát triển hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên giảm nghèo bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Các đại biểu cũng nêu ra những giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về vốn đầu tư, về nhân lực, giải pháp về cải cách hành chính và tăng cường hợp tác, phát triển thị trường.
Hiện nay trong vùng có 7 khu kinh tế, hầu hết mỗi tỉnh đều có một khu kinh tế (trừ Quảng Trị và Đà Nẵng), tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch và lọc hóa dầu. Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng là hai trung tâm thương mại – du lịch lớn của vùng; tỷ trong phi nông nghiệp tương đối cao nhưng quy mô các ngành lĩnh vực này còn chưa đủ lớn.
Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo cho thấy trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế, hầu hết các tỉnh đều có tỷ lệ nghèo trên 13%, cao nhất là Hà Tĩnh lên tới trên 20,7% (số liệu năm 2012).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Cần tăng cường kết nối hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung trong bối cảnh mới. Cạnh đó, phát triển bền vững nguồn nước gắn với phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực duyên hải miền Trung; huy động nguồn lực quản lý rủi ro thiên tai, quản lý nguồn nước cũng như các hình thức liên kết cộng đồng khác để phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo tại khu vực.
Bà Victoria KwaKwa nhận định, khu vực duyên hải miền Trung đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế. Việc quản lý tài nguyên nước chưa có sự thống nhất, khoa học mà quản lý theo địa giới hành chính, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa có sự thống nhất. “Khu vực miền Trung cần có “cách tiếp cận theo vùng” trong phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển, nhất là phát triển cảng biển, sân bay, phát triển du lịch” bà Victoria KwaKwa nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khu vực duyên hải miền Trung tỷ lệ hộ nghèo của toàn vùng chiếm đến đến 1/3 so với cả nước, nhưng sự hỗ trợ đầu tư chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, cần huy động các nguồn lực tài chính có tính khả thi cao để thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch vùng.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, các tỉnh miền Trung cần hợp tác phát triển hạ tầng dùng chung, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác phòng chống thiên tai. Hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch tổng thể vùng, tạo sự liên kết chặt chẽ về không gian kinh tế; đưa ra các giải pháp cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt và bảo vệ môi trường ở quy mô vùng, gắn với các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là vấn đề khó nhưng hết sức cấp bách của vùng, cần phải được quan tâm đặc biệt.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa những quan ngại về vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của kinh tế biển. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam kiên quyết thực hiện các biện pháp hòa bình để giữ vững chủ quyền lãnh thổ nhưng sự an nguy của hàng vạn người dân miền Trung đang bị đe dọa nghiêm trọng. Điều đó đặt ra cho phát triển kinh tế biển ở miền Trung càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững vùng duyên hải miền Trung, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với quốc phòng và giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các định chế tài chính thế giới, các nhà đầu tư quan tâm hơn nữa đến vùng duyên hải miền Trung trong chiến lược hỗ trợ miền Trung, để góp phần giúp miền Trung vượt qua khó khăn, phát triển bền vững…
Tin, ảnh: Chí Thiện