Khu vui chơi trẻ em xuống cấp
Xuống cấp và ô nhiễm
Điển hình là Khu công viên công cộng với diện tích hơn 0,5ha tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Công viên này bị bỏ hoang phế, hồ nước trong công viên trở thành ao tù gây ô nhiễm khiến người dân địa phương rất bức xúc và nhiều lần kiến nghị lên chính quyền để sớm có giải pháp khắc phục.
Một người dân ở đây cho hay, thời gian trước khu công viên này khá khang trang, nhưng do nhiều năm không có người quản lý, đồng thời, do mưa nắng khiến các hạng mục xây dựng của khu vui chơi trở nên xuống cấp.
Cùng với đó, nhiều người dân thiếu ý thức tùy tiện biến nơi này thành chỗ chứa rác thải, lâu ngày không có người dọn vệ sinh… gây ô nhiễm, mất mỹ quan trầm trọng. Theo một cán bộ UBND phường Thọ Quang, trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã đề xuất UBND quận đầu tư xây dựng lại.
Tương tự, một khu vui chơi cho trẻ em ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn chỉ trơ trọi vài thiết bị vui chơi cũ kỹ đã xuống cấp… Mặc dù, khu vui chơi này vẫn thu hút nhiều trẻ em đến đây, nhưng điều đáng nói, các thiết bị ở khu vui chơi đã cũ, hư hỏng có thể gây nguy hiểm đối với trẻ em.
Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho hay, đã lâu rồi khu vui chơi cho trẻ em này không được đầu tư nên hầu hết thiết bị đều cũ. Lãnh đạo địa phương vẫn biết nhưng do kinh phí nâng cấp khá lớn, nên lực bất tòng tâm. Cũng theo ông Kim, trước kiến nghị của cử tri và đề xuất của địa phương, HĐND thành phố cũng đã đưa vào nghị quyết và UBND TP. Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư khoảng 1,6 tỷ đồng để nâng cấp, nhưng đến nay do khó khăn chung về kinh phí nên việc đầu tư nâng cấp khu vui chơi cho trẻ em vẫn chưa được triển khai như mong đợi của người dân địa phương.
Việc đầu tư xây dựng các khu vui chơi dành cho trẻ em là rất cần thiết |
Bao giờ nâng cấp?
Hiện việc đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa, mà cụ thể là đầu tư nâng cấp các khu vui chơi dành cho trẻ em trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện mới chỉ dừng lại ở kế hoạch. Còn thực tế thì chưa biết đến khi nào mới được đầu tư nâng cấp. Tại các kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng gần đây, một trong những vấn đề nổi cộm được các đại biểu và cử tri quan tâm là đầu tư các khu vui chơi cho trẻ em.
Bởi thực tế, hầu hết các khu vui chơi dành cho trẻ em trên địa bàn đều xuống cấp; thậm chí trở thành nơi đổ rác thải của người dân địa phương, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều khu vui chơi trước đây được đầu tư các trang thiết bị vui chơi như cầu quay, cầu trượt, xích đu… nhưng qua thời gian dài không được bảo dưỡng, hơn nữa nằm phơi mưa, phơi nắng suốt một thời gian dài nên càng xuống cấp nghiêm trọng; thậm chí có những nơi hư hỏng nặng gây nguy hiểm khi trẻ nhỏ tham gia vui chơi.
Trả lời các đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng về tình trạng thiếu khu vui chơi cho trẻ em và giải pháp giải quyết vấn đề này, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, ở các quận, huyện, hiện có 34/56 xã, phường có khu vui chơi cho trẻ em. Trong tổng số 37 khu vui chơi dành cho trẻ em, có 15 khu hoạt động hiệu quả, 22 khu hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động do cơ sở vật chất xuống cấp.
Sau khi khảo sát, lãnh đạo TP. Đà Nẵng thống nhất giữ nguyên 6 khu hoạt động hiệu quả, chuyển đổi 16 khu thành điểm quy hoạch Trung tâm văn hóa - thể thao phường, xã; các khu hoạt động không hiệu quả sẽ chuyển thành công viên...
Song, nhiều ý kiến cho rằng những phương án của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng đưa ra chưa ổn, quá trông chờ vào việc xã hội hóa trong khi chủ trương này chỉ mang tính khuyến khích; nên bớt các công trình không cần thiết để xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, đồng thời, cần có phương án cụ thể để thành phố bố trí kinh phí đầu tư. Do đó, cần có lộ trình rõ ràng và cần đưa ra những giải pháp căn cơ hơn…
Thiết nghĩ, trước mắt Đà Nẵng cần huy động lực lượng tổ chức dọn vệ sinh các khu vực để hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc đối với trẻ em khi đến chơi ở những khu vực này.
Về lâu dài, các ngành chức năng cần sớm triển khai đồng bộ, quyết liệt chủ trương của UBND thành phố đối với việc cải tạo, nâng cấp các khu vui chơi dành cho trẻ em, đảm bảo cho các em có nơi vui chơi lành mạnh và an toàn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí chính đáng của nhân dân địa phương.