Kiểm soát chất lượng tín dụng ngay từ đầu năm
Chất lượng tín dụng ưu tiên hàng đầu | |
Chất và lượng tín dụng phải luôn song hành | |
Dõi theo dòng tín dụng |
Trong tuần qua, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng nổi lên vấn đề Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Theo văn bản này, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN. Các TCTD phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Đặc biệt, các TCTD phải chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Những nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng tín dụng được khẳng định trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Chỉ thị số 01 và nay ban hành thêm văn bản 563 trên cho thấy, NHNN đặc biệt quan tâm đến quản lý dòng vốn cho vay.
Câu chuyện tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 cũng đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, giới DN và cả cơ quan điều hành. Hồi đầu năm chúng ta đã đưa ra mục tiêu định hướng với tăng trưởng tín dụng khoảng 18% - 20%, sau đó để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho ngành Ngân hàng có thể đưa tín dụng lên 21%-22%. Tuy nhiên, kết thúc năm, chúng ta vừa đạt được mức tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng không quá cao. Điều này cho thấy hướng dòng vốn đi vào thực chất mới là quan trọng.
Khi nói về con số tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 18,17%, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, tăng trưởng tín dụng đã đi kèm với chất lượng và chuyển dịch cơ cấu, góp phần thiết thực cho tăng trưởng kinh tế. Không những thế, việc tín dụng đi đúng vào lĩnh vực sản xuất thực đã đóng góp rất thiết thực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế chúng ta đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích sản xuất hàng hóa xuất khẩu, ưu tiên DNNVV thì chỉ đạo của NHNN là rất cần thiết.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán đón nhận những thông tin tốt khi chỉ số Vn-Index vượt 1.000 điểm và dự báo có thể đạt 1.300 điểm vào cuối năm 2018, rồi thị trường bất động sản phục hồi mạnh thì sự cảnh báo tín dụng với hai lĩnh vực này của cơ quan quản lý về tiền tệ là không thừa chút nào. Quá khứ, cũng đã từng xảy ra hiện tượng tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán và bất động sản tăng ở mức khá cao, trong số đó có không ít món vay “núp dưới cái bóng” cho vay tiêu dùng và hệ lụy là nợ xấu phát sinh mà đến nay chúng ta vẫn đang phải nỗ lực xử lý.
Năm 2018, NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng là 17% - mức không cao nên các TCTD càng phải quan tâm tới chất lượng tín dụng, chắt chiu từng đồng vốn đưa vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 6,7% phải được đặt lên hàng đầu. Mà để đạt được mục tiêu trên thì ngay từ bây giờ, trong tháng đầu của năm ngành Ngân hàng đã phải quán triệt nhiệm vụ để tránh xảy ra hiện tượng “nước đến chân mới nhảy”.