Dõi theo dòng tín dụng
Gỡ nút thắt tín dụng bằng giải pháp căn cơ | |
Khả năng hấp thụ vốn của DN được cải thiện | |
Dòng chảy tín dụng, ai quyết định tốc lực |
Sẽ xem xét nới room cho NH có chất lượng tín dụng tốt
Theo số liệu mới nhất, đến ngày 30/6/2017, tăng trưởng tín dụng (TTTD) đạt 9,06% - đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo chia sẻ của người đứng đầu NHNN Thống đốc Lê Minh Hưng, để có được kết quả tích cực trên, ngay từ những tháng đầu năm, ngành NH đã thực hiện các giải pháp tín dụng để tạo điều kiện TTTD hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy tín dụng tăng nhanh hơn mọi năm nhưng chất lượng tín dụng vẫn đảm bảo. Cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống, còn tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại.
Dòng vốn NH đang chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế |
Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, dòng vốn NH đang chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh như DN hỗ trợ, DNNVV, NNNT, ứng dụng công nghệ cao… Không chỉ năm nay, mà nhiều năm trước đây, đó là những lĩnh vực mà NH tập trung nguồn vốn cho vay. Riêng dư nợ những lĩnh vực ưu tiên này đã chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank. Còn tại VietinBank, tỷ trọng tín dụng tập trung tới 95% vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây cũng là câu trả lời dòng tiền của NH chảy đi đâu trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, TTTD năm nay của toàn hệ thống NH phải đạt tối thiểu 18%. Để đạt được mục tiêu này, hạn mức TTTD của nhiều NH sẽ phải điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu. Như chia sẻ của một số lãnh đạo NH lớn nhỏ, thì các NH chỉ được giao chỉ tiêu TTTD ở mức 16% thay vì 18%. Đặc biệt, việc điều chỉnh tăng tín dụng ở nhóm NHTM lớn mới đảm bảo giúp ngành NH hoàn thành chỉ tiêu TTTD. Bởi riêng top 4 NHTM lớn chiếm hơn nửa thị phần tín dụng.
Các chuyên gia dự đoán, nhiều khả năng TTTD ở sẽ được điều chỉnh tăng thêm từ 2% - 3% so với chỉ tiêu ban đầu. Theo tiết lộ của Tổng giám đốc VietinBank TS. Lê Đức Thọ, 6 tháng đầu năm 2017 TTTD VietinBank trên 10%, và dự kiến trong cả năm tăng trưởng 18-20% tùy theo chỉ đạo và kế hoạch của NHNN. Hiện tại một số NH nhỏ cũng đã xài hết room tín dụng và gửi văn bản lên NHNN cấp thêm quota tín dụng.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng nêu rõ quan điểm NHNN là sẽ xem xét linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu TTTD của TCTD hoạt động lành mạnh, có chất lượng tín dụng tốt, cơ cấu tín dụng tập trung lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo Chính phủ, NHNN.
Kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong vòng chục năm trở lại đây, Chính phủ yêu cầu mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, không loại trừ khả năng dòng vốn bị lạc hướng. Lo ngại trên không phải không có cơ sở khi thực tế giai đoạn trước đây, dòng vốn nóng chảy vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ như bất động sản, chứng khoán… tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường.
Do vậy, nhiều khuyến nghị đối với NH cần theo dõi chặt chẽ dòng vốn tín dụng. Đây cũng là nhiệm vụ mà Thống đốc yêu cầu TCTD thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới. “Các TCTD cấp tín dụng phù hợp với định hướng TTTD của NHNN thực hiện kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu TTTD năm 2017 và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của NHNN, ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục hạn chế và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài”, Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo.
Để giải tỏa phần nào những lo ngại trên, lãnh đạo các NH cho biết, hiện tại tỷ trọng cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích trên đang khá thấp trong cơ cấu tín dụng của cả hệ thống. Tại Vietcombank đến thời điểm này, dư nợ cho vay đối với bất động sản (BĐS) của NH này chiếm 8% và BOT chỉ dưới 1% trên tổng dư nợ của NH này. Ở các NHTMCP cỡ nhỏ, dư nợ cho vay lĩnh vực trên cũng khá thấp. Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, dư nợ cho vay BĐS của NH chỉ khoảng 8% và NH rất thận trọng khi cho vay lĩnh vực này bởi đây là lĩnh vực không được Chính phủ, NHNN khuyến khích và bản thân NH đánh giá tiềm ẩn rủi ro nhất định. Với phân khúc này, NH chỉ ưu tiên cho vay khách hàng mua nhà để ở trả góp.
Với việc NHNN tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý với chỉ tiêu định hướng, tăng cường giám sát chất lượng tín dụng, dòng vốn sẽ không dễ dàng chảy mạnh vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS... Nhất là tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 42, một lần nữa Thống đốc NHNN cảnh báo các TCTD tuyệt đối chấp hành các quy định của NHNN. Nếu thanh tra kiểm tra phát hiện sai phạm, cơ quan quản lý sẽ có chế tài rất nghiêm khắc.
Trước sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, sự chấp hành nghiêm túc của các TCTD, các chuyên gia nhận định, dòng vốn sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên cố gắng chạy theo con số TTTD, mà phải tập trung đảm bảo chất lượng tín dụng.
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia TS. Trần Du Lịch cho rằng, ông không quan tâm là tín dụng tăng 18% hay 20%. Điều mà ông quan tâm đó là chất lượng tín dụng, ai sẽ là người vay vốn, và vốn chảy vào lĩnh vực nào. Nếu không đạt mục tiêu 18% nhưng vốn tăng vào lĩnh vực ưu tiên còn hơn là đạt 18% mà vốn lĩnh vực này giảm.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu vốn tín dụng đầu tư không hiệu quả có thể gây lãng phí, tạo ra bong bóng tài chính và ngược lại. Do đó, bên cạnh thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, TS. Ngân nhấn mạnh NHNN cần tăng cường công tác thanh tra giám sát đảm bảo chất lượng tín dụng.