Kiên định mục tiêu chống đô la hóa
Chính sách điều hành tỷ giá: Bước tiến dài trong chống đô la hóa | |
Tiến thêm một bước trong hành trình chống đô la hóa | |
ANZ: Giảm lãi suất USD là nhằm chống đô la hóa |
Để ổn định thị trường ngoại hối, hạn chế tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, NHNN chủ trương chuyển dần từ quan hệ huy động và cho vay sang mua bán ngoại tệ. Hàng loạt chính sách và giải pháp đã được NHNN ban hành và đốc thúc các TCTD thực thi trong thời gian qua, như: bổ sung quy định trần lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức và cá nhân xuống còn 0%/năm; ban hành Thông tư số 03/2012/TT-NHNN thu hẹp các nhu cầu vốn cho vay bằng ngoại tệ.
Tuy nhiên, trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, NHNN vẫn cho phép các TCTD tiếp tục xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn thiết yếu, đồng thời vẫn linh hoạt xử lý các trường hợp cần thiết phải cho vay bằng ngoại tệ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ảnh minh họa |
Các giải pháp điều hành tích cực đã giúp tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong thời gian qua ổn định, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống cải thiện, lòng tin vào giá trị của đồng Việt Nam được củng cố, tình trạng đô la hóa giảm hẳn. Các TCTD có xu hướng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng và bán lại cho NHNN.
Mới đây một số phương tiện truyền thông có phản ánh một số NHTM lách quy định của NHNN, áp dụng nhiều hình thức trả lãi suất tiền gửi USD trá hình cho khách hàng…Trước hiện tượng này có ý kiến cho rằng, có thể quy định đưa lãi suất tiền gửi USD của cả tổ chức và cá nhân xuống 0%/năm hơi vội vàng, dẫn tới việc các NHTM khát ngoại tệ nên đã phải “lách” trần. Và đã có ý kiến đặt ra: liệu có cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp hay không?
Thực ra từ trước tới nay, việc cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của cơ quan chức năng đặt ra không phải là hiếm ở mọi mặt của đời sống xã hội. Nhưng nếu chỉ nhìn từ một vài hiện tượng đơn lẻ (nhất là với lĩnh vực kinh tế tài chính) mà “quy” thành bản chất vấn đề thì e rằng hơi vội vàng.
Nhìn nhận về sự việc này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, có thể các NH cũng thấy nguồn tiền gửi USD có giảm sút so với trước. Hai là một số NH cũng muốn tận dụng lượng kiều hối chuyển về, thứ ba là người dân chưa quen với việc gửi tiền mà không được lãi suất…
Hơn nữa, chính sách thì bao giờ cũng có độ trễ và không thể chiều lòng tất cả. Mục tiêu của nhà điều hành có tầm nhìn dài hạn và vì lợi ích chung của cả nền kinh tế chứ không thể xét đến từng trường hợp, hay vì những lợi ích nhất thời trước mắt.
Có thể nhìn thấy điểm tích cực là sự điều chỉnh của NHNN rõ ràng đã góp phần ổn định tỷ giá thời gian vừa qua và nằm trong tổng thể các giải pháp, thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế của Chính phủ.
Thực tế, theo thông tin của một vụ chức năng NHNN thì thanh khoản trên thị trường vẫn khá tốt. Tỷ giá giao dịch USD của các NHTM thấp xa so với mức trần của NHNN. Mới đây, NHNN đã ban hành hai văn bản số 3254, 3255/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh thực hiện quy định lãi suất huy động.
Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu: các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc chấp hành các quy định hiện hành cũng như chỉ đạo của Thống đốc NHNN về lãi suất huy động, đặc biệt là huy động USD. Nghiêm cấm việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động USD; cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.
Thống đốc NHNN yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Cục I, Cục II) và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin và giám sát, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành lãi suất huy động của các TCTD thuộc chức năng quản lý trên địa bàn; Xử lý nghiêm theo quy định đối với những trường hợp vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, tổ chức liên quan.
Rõ ràng, những động thái này cho thấy, NHNN tiếp tục kiên định với mục tiêu đã đề ra, và không khoan nhượng với những trường hợp vi phạm các quy định hiện hành về chống đô la hóa. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ đến thị trường, triệt tiêu tâm lý kỳ vọng điều chỉnh chính sách, nhằm duy trì sự ổn định của thị trường như lâu nay.