Kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc?
Chủ tịch Fed: Kinh tế Mỹ thực sự mạnh, nhưng có lo ngại |
Đáng chú ý là sự tăng mạnh trở lại của chỉ số PMI, đạt 54,8 điểm trong tháng 10 và chấm dứt được xu hướng đi xuống liên tục của chỉ số sản xuất từ tháng 5 trở lại đây. Trong khi đó, thị trường lao động tiếp tục được cải thiện tích cực, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 3,7% - thấp nhất trong vòng 48 năm qua và số lượng việc làm được tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp gia tăng mạnh từ mức 134 nghìn việc làm trong tháng 9 lên mức 250 nghìn việc làm trong tháng 10.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng – vốn chiếm tới 70% hoạt động kinh tế của Mỹ - tiếp tục tăng trưởng yếu ớt trong tháng 10. Cụ thể, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa so với cùng kỳ có sự sụt giảm từ mức trên 6% của 4 tháng trước xuống hiện còn 4,7%. Tiêu dùng yếu ớt, cộng thêm đồng USD có xu hướng mạnh lên đã khiến lạm phát tại Mỹ cũng có xu hướng đi xuống khi chỉ số giá cả hàng hóa so với cùng kỳ đã giảm liên tục trong 3 tháng gần đây, từ mức đỉnh 2,9% so với cùng kỳ trong tháng 7 xuống hiện còn 2,3%.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại trong tháng vừa qua tiếp tục nới rộng mức thâm hụt lên 53,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và là mức thâm hụt cao nhất được ghi nhận trong vòng 6 tháng qua.
Diễn biến hiện tại cùng với các định hướng điều chỉnh tăng lãi suất của Fed đã dẫn đến những dự báo không mấy tích cực về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong những năm tới. Trước hết, Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại đáng kể vào quý II năm tới khi Fed tiếp tục tăng lãi suất và những ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế mờ nhạt dần.
Ông Jan Hatzius - Kinh tế trưởng của bộ phận ngân hàng đầu tư cho biết, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và những chính sách kích thích tài khóa đang giảm dần là nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm tốc của kinh tế Mỹ trong năm tới. Hiện tại mặc dù các rủi ro tăng trưởng nóng hay những vấn đề bất cân đối tài chính – nguyên nhân kinh điển dẫn sự suy thoái kinh tế của nước Mỹ đều không tồn tại nhưng các diễn biến kinh tế vẫn tiềm ẩn những quan ngại, ông Jan Hatzius cho biết thêm.
Tiếp đến các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đang dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2,5% trong quý IV/2018, giảm từ 3,5% của quý trước và tăng trưởng GDP sẽ ở mức 2,5% trong quý I/2019, nhưng sau đó sẽ giảm xuống lần lượt ở mức 2,2%; 1,8% và 1,6% trong 3 quý tiếp theo.
Bên cạnh đó, Goldman cũng dự đoán là Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 này và 4 lần nữa trong năm 2019. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra bởi vì lạm phát sẽ đạt 2,25% vào cuối năm tới khi thuế, tiền lương tăng lên – theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng thì đây cũng sẽ là cơ hội để lạm phát vượt mục tiêu.
Đồng thời cũng lưu ý rằng với những diễn biến vượt bậc của thị trường lao động thì FOMC sẽ không muốn dừng lại cho tới khi thật sự tin tưởng rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ không còn trên quỹ đạo giảm – một đích đến được dự báo là sẽ có thể đạt được vào năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng cũng không tin rằng tăng trưởng thực tế sẽ có giá trị âm vào bất cứ thời điểm sớm nào trong thời gian tới.