Kinh tế Nhật giảm tốc mạnh lại thúc ép nới lỏng chính sách
TIN LIÊN QUAN | |
BOJ: Chia rẽ về quan điểm nới lỏng tiền tệ | |
Nhật thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 274 tỷ USD | |
NHTW Nhật gây thất vọng khi chỉ nới lỏng ở mức tối thiểu |
NHTW Nhật đang chịu sức ép phải nới lỏng hơn nữa tiền tệ |
Số liệu của văn phòng nội các Nhật công bố hôm nay (15/8) cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý thứ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 0,7% và càng thua xa mức tăng trưởng 2% của quý kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 (theo số liệu chỉnh sửa).
So với quý trước, kinh tế của Nhật không có tăng trưởng trong quý vừa qua, thấp hơn dự báo thị trường là nền kinh tế sẽ tăng 0,2% so với quý trước.
Trong đó, tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm khoảng 60% GDP của Nhật, chỉ tăng 0,2% trong quý vừa qua, phù hợp với dự báo thị trường nhưng chậm hơn nhiều so với mức tăng 0,7%của quý trước đó.
Trong khi chi tiêu đầu tư tiếp tục giảm 0,4% trong quý tháng 4-6 sau khi giảm 0,7% trong quý đầu tiên, cho thấy sự thiếu bền vững về triển vọng kinh tế toàn cầu và sự yếu kém của cầu nội địa khiến các doanh nghiệp tiết giảm chi tiêu.
Nhu cầu bên ngoài yếu cũng cắt xén 0,3 điểm phần trăm của tăng trưởng chung lần đầu tiên trong 4 quý, nhấn mạnh những tác động tiêu cực của việc tăng trưởng toàn cầu chậm chạp đến nền kinh tế hướng đến xuất khẩu như Nhật.
Tuy nhiên đầu tư nhà ở đã tăng 5,0%, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2011, một phần do chính sách tiền tệ siêu lỏng của BOJ, Văn phòng Nội các Nhật cho biết.
Sự chậm lại của nền kinh tế đang đẩy các nhà hoạch định chính sách Nhật đối mặt với trước thách thức lớn là phải đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát đã kéo dài hai thập kỷ bằng cách mở rộng các chương trình kích thích kinh tế đã được triển khai trước đây, vốn được gọi là chính sách Abenomis, song hiệu quả là rất yếu.
"Nói chung nền kinh tế đang rất trì trệ. Chi tiêu tiêu dùng yếu mà một trong những nguyên nhân là mức tăng lương thấp. Bên cạnh đó, những bất ổn của các nền kinh tế bên ngoài làm chững lại dòng vốn đầu tư", Norio Miyagawa - Nhà kinh tế cấp cao Công ty chứng khoán Mizuho nói.
"Chính phủ đã công bố một gói kích thích kinh tế lớn, vì vậy câu hỏi tiếp theo là hành động của BOJ sau khi xem xét lại toàn diện các chính sách của mình, mà chắc chắn sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong đạt được mức lạm phát mục tiêu".
Được biết, hồi đầu tháng này, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã phê duyệt một gói kích thích kinh tế bao gồm các biện pháp tài chính trị giá 13,5 nghìn tỷ yên (133 tỷ USD) với hy vọng sẽ giúp nền kinh tế vượt qua những cơn gió ngược bên ngoài để duy trì sự phục hồi vừa phải.
Tuy nhiên BOJ chỉ mở rộng kích thích kinh tế ở mức tối thiểu trong tháng trước với việc gia tăng khiêm tốn chương trình mua tài sản rủi ro. Bởi vậy hiện BOJ đang phải chịu áp lực rất lớn về việc mở rộng nới lỏng hơn nữa sau khi tiến hành đánh giá toàn diện về tác động của chương trình kích thích kinh tế của mình.