Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quý 2
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 6 | |
Quan chức PBoC: Tỷ lệ đòn bẩy tại Trung Quốc tăng với tốc độ "báo động" | |
Kinh tế Trung Quốc tăng tốc khi bán lẻ, đầu tư phục hồi |
Tiêu dùng phục hồi mạnh đã nâng đỡ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 2 |
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng 6,9% trong quý hai so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng của quý đầu tiên. Mức tăng trưởng này cao hơn do với dự báo của các nhà kinh tế them gia cuộc khảo sát của Reuters là 6,8%. Trên cơ sở hàng quý, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1,7% trong quý 2 sau khi đã tăng 1,3% trong quý đầu tiên đúng như dự báo của giới chuyên môn.
Sự phục hồi mạnh mẽ của bán lẻ và sản xuất công nghiệp, trong khi đầu tư vẫn mạnh là động lực chính nâng đỡ cho kinh tế Trung Quốc trong quý 2 vừa qua. Theo đó, sản lượng nhà máy của Trung Quốc đã tăng 7,6% trong tháng 6 so với năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong 3 tháng; trong khi đầu tư tài sản cố định đã tăng trưởng 8,6% trong sáu tháng đầu năm. Cả hai đầu cao hơn nhiều so với dự báo.
Bên cạnh đó, doanh thu bán lẻ cũng tăng 11,0% trong tháng 6 so với năm ngoái, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/2015 và vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích là tăng 10,6%.
Dữ liệu tuần trước cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn dự kiến vào tháng 6 so với một năm trước đó, có thể bù đắp sự suy yếu của các khu vực khác của nền kinh tế trong quý 2.
“Nhìn chung, nền kinh tế tiếp tục cho thấy sự tiến bộ đều đặn trong nửa đầu năm nay... nhưng sự bất ổn và sự không chắc chắn của quốc tế vẫn còn tương đối lớn và sự mất cân bằng cơ cấu trong nền kinh tế vẫn đang gia tăng”, cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết.
Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mất đà trong nửa cuối năm khi các biện pháp nhằm kiềm chế giá nhà đất và tình trạng nợ đang tăng nhanh sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng.
Sự tăng trưởng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc là một lợi thế cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khi họ tìm cách hãm lại đà tăng nợ của quốc gia này, đã tăng lên đến mức nguy hiểm 277% GDP.
Được biết, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% vào năm 2017, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 6,7% của năm ngoái, mức thấp nhất trong 26 năm.
Về mặt lý thuyết, mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 6,5% trong năm 2017 của Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều dư địa cho cải cách sau khi nền kinh tế tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 - mức thấp nhất trong 26 năm.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích của Reuters, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,6% trong năm 2017, khi tăng trưởng chậm lại trong quý 3 và 4.
“Dữ liệu mới cũng khuyến khích tăng trưởng toàn cầu bởi vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên hành tinh này”, Craig James - Chuyên gia kinh tế của Commonwealth Securities tại Sydney nói. “Dựa trên số liệu này, không cần phải nới lỏng và cũng không cần thiết phải thắt chặt, bởi vì áp lực lạm phát đã được thu hẹp rất nhiều. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách thận trọng”.
PBoC đã có xu hướng thắt chặt khi bắt đầu vào đầu năm nay khi tăng lãi suất hướng dẫn thị trường cao hơn trong quý đầu tiên, bao gồm cả động thái tăng lãi suất thị trường mở ngay sau khi Fed tăng lãi suất vào tháng Ba.
Tuy nhiên, PBoC đã bơm thêm thanh khoản đáng kể trong tháng trước để tránh một cuộc khủng hoảng tiền mặt vào cuối năm khi Bắc Kinh thắt chặt các quy định để buộc các ngân hàng giảm tỷ lệ đòn bẩy.