Lại ngóng M&A ngân hàng
HDBank chia cổ tức 35%, thông qua kế hoạch nhận sáp nhập PG Bank | |
M&A sẽ tạo nên thành công |
Sau khi không thực hiện được hợp đồng sáp nhập đã ký từ năm 2015, thông tin huỷ giao dịch sáp nhập với PGBank được VietinBank công bố tại ĐHCĐ của NH ngày 21/4 vừa qua. Trong cùng ngày 21/4, cổ đông của HDBank đã thống nhất đồng ý sáp nhập PGBank. Việc sáp nhập của HDBank và PGBank sẽ được thực hiện qua phương thức hoán đổi cổ phiếu. Dự kiến nếu thương vụ này thành công, HDBank sẽ có vốn điều lệ là 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính và giới thiệu dịch vụ tại 63/63 tỉnh, thành phố.
M&A là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng |
Đó là thương vụ được chỉ mặt điểm tên, một số NH khác cũng đang bỏ ngỏ khả năng M&A trong năm nay. Như LienVietPostBank thông tin sẽ nghiên cứu phương án tăng vốn và M&A; VPBank công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 27.000 tỷ đồng - gần gấp đôi so với mức 15.000 tỷ đồng hiện tại để chuẩn bị cho kế hoạch M&A; lãnh đạo MB cũng cho biết NH này đang nghiên cứu khả năng M&A...
Chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD, giảm thiểu tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một NH, đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành, thoái vốn trong hệ thống các TCTD... là mục tiêu khiến NH sẽ tăng cường M&A năm nay. Bởi M&A là phương thức phù hợp để các bên có thể tận dụng được những ưu điểm của nhau nhằm phát huy thế mạnh về sản phẩm, dịch vụ, đối tượng khách hàng, mạng lưới, kênh phân phối.
Tham vấn ý kiến một chuyên gia tài chính - NH, ông này lại có quan điểm rằng ở thời điểm hiện tại chưa nhìn thấy xu hướng sáp nhập rõ ràng giữa các NH mà chủ yếu là hoạt động mua bán, tìm cách tăng vốn, củng cố tiềm lực tài chính. Ngay từ những tháng đầu năm 2018, Vietcombank thông báo đang có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC) vẫn được xem là nhà đầu tư tiềm năng của Vietcombank, cộng thêm Mizuho Bank (Nhật Bản) hiện đang sở hữu 15% cổ phần của NH này sẽ tiếp tục được mua thêm cổ phần ở Vietcombank. Truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin tập đoàn tài chính Hana có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của BIDV.
Techcombank công bố thông tin về hợp đồng mua bán cổ phần giữa NH này với hai nhà đầu tư tới từ Hà Lan gồm Vesta VN Investments B.V. và COG Investments B.V. Hay như TPBank cũng đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với Quỹ đầu tư PYN Fund Management.
Tuy vậy, giới chuyên gia đều đồng tình rằng M&A sẽ là xu hướng tất yếu, vì hiện tại số lượng NH ở Việt Nam còn lớn, gây ra sự cạnh tranh quá mạnh mẽ trên thị trường, trong khi không phải NH nào cũng thật sự làm ăn có hiệu quả. “Cơ quan quản lý cần phải thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu theo đúng lộ trình đề ra, bản thân các NH cũng phải có ý thức tự tái cấu trúc để giúp bộ máy làm việc hiệu quả hơn, minh bạch hoá hoạt động NH. Hệ thống NH Việt Nam rút lại còn khoảng 15-20 NH là phù hợp nhất”, một chuyên gia chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, chuyên gia cũng lưu ý để có một thương vụ M&A thành công, NH sẽ phải toan tính và cân nhắc rất nhiều điều kiện, không chỉ nằm ở việc định giá. Quy mô được mở rộng cùng với gánh nặng về nợ xấu, nhân sự cũng dễ vấp phải độ vênh nhất định khi năng lực không đồng đều, chưa kể tới hệ thống công nghệ thông tin ở những cấp độ khác nhau... sẽ khiến NH thêm gánh nặng về lợi nhuận.
Trong quá khứ, đã có nhiều nhà băng rơi vào trường hợp như vậy sau khi M&A. Như nợ xấu của Sacombank trước khi nhận sáp nhận Southern Bank chỉ là 1,5%, trong khi nợ xấu công bố của Southern Bank cuối tháng 12/2013 là 3,39%. Số liệu thực tế được NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết nợ xấu thực tế của Southern Bank ở tháng 11/2013 lên tới 55,31%. Sacombank đã phải dành rất nhiều nguồn lực để xử lý nợ xấu từ Southern Bank.
Với những NH có quy mô nhỏ, việc tái cấu trúc bằng nội lực cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Kế hoạch nâng cao tiềm lực tài chính, sức cạnh tranh đều được các NH này xây dựng và đang có nhiều kỳ vọng khi cổ phiếu NH hiện tương đối hấp dẫn với các nhà đầu tư. Một trong những điểm thuận lợi hỗ trợ cho các NH thực hiện kế hoạch M&A hiệu quả hơn đó là Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Cùng với những quy định cụ thể và cơ chế xử lý tài sản bảo đảm được nêu ra tại Nghị quyết 42 sẽ hỗ trợ nhiều cho NH giải quyết khúc mắc, khắc phục khó khăn để xử lý nợ xấu hiệu quả. Từ đó gián tiếp tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD tại Việt Nam.