M&A sẽ tạo nên thành công
M&A bất động sản thu hút nhà đầu tư ngoại | |
Việt Nam vẫn chỉ hấp dẫn nhà đầu tư châu Á |
Ảnh minh họa |
“5,8 tỷ USD trong 2016 (trong tổng số 115 tỷ USD tổng giá trị các thương vụ M&A khu vực Đông Nam Á) dù khá nhỏ, nhưng so với dân số cũng như GDP Việt Nam thì cũng là con số cực kỳ ấn tượng. Và chắc chắn sẽ có sự thay đổi về giá trị cũng như số lượng các thương vụ M&A trong thời gian tới. M&A sẽ tạo nên câu chuyện thành công cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Jeffrey Pirie, Phó tổng giám đốc Deloite Đông Nam Á khẳng định.
Chọn Việt Nam vì thuận lợi
Ông Jacob Hoyeon Won, Giám đốc điều hành Locus Capital Partner (Hàn Quốc) cho biết, Việt Nam luôn là nước đầu tiên nằm trong tầm ngắm của các công ty Hàn Quốc khi chọn lựa: “Có thể bên cạnh điểm chung về văn hóa, lợi thế về vị trí địa lý, thì Việt Nam có dân số đông nên DN Hàn Quốc thấy được cơ hội có thể tiếp tục tăng trưởng. Hơn thế, DN Việt Nam còn được đánh giá là nhanh chóng thích ứng với công nghệ, quản trị cũng như những đòi hỏi mới của một DN thời kỳ hậu M&A. Thế nên, cho dù còn khá nhiều bất cập với các hoạt động M&A, nhưng Việt Nam vẫn là sự lựa chọn đầu tiên”.
Tuy nhiên, tỷ lệ các thương vụ M&A thành công còn khá nhỏ, thực tế là do cách nhìn của đôi bên trên bàn đàm phán. “Dường như đa số đối tác Việt Nam đều nghĩ rằng nhà đầu tư ngoại chỉ tìm kiếm lợi ích tài chính ngắn hạn. Nhưng đây có lẽ là sự hiểu lầm vì các công ty Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam còn mong muốn có sự tăng trưởng lâu dài”, ông Jacob Hoyeon Won nhấn mạnh.
Về những nỗ lực cải thiện chính sách đầu tư của Việt Nam, ông Seck Yee Chung, Điều hành Công ty luật Baker & McKenzie cũng cho rằng Việt Nam đang bắt đầu có một làn sóng M&A thứ hai, thị trường tiêu dùng và bất động sản Việt Nam cũng đang thay đổi, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đã thay đổi. Bởi hiện tại, Việt Nam không còn dựa vào sản phẩm giá trị thấp mà đã bắt đầu có sản phẩm giá trị cao cạnh tranh.
Chính thách thức lớn từ thị trường khu vực về cạnh tranh thu hút vốn lại tạo lợi thế cho Việt Nam. Việt Nam cũng đang cải tạo những chính sách như đối thoại DN, thoái vốn Nhà nước ra khỏi các DN, thu hút đầu tư bằng các quy trình cải tiến… Việt Nam cũng đã có luật cạnh tranh, đây là luật khá tốt nhưng cần phải vươn lên những chuẩn mực cao hơn để nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi theo đúng cam kết với WTO. Đương nhiên có những chỗ trục trặc, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam đang cải thiện nhất là trong vấn đề chuyển vốn và tài sản.
Đẩy mạnh M&A thu hút đầu tư
Tạo điều kiện cho các DN tham gia thị trường M&A, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, sắp tới chính phủ sẽ công bố công khai danh sách DN Nhà nước thoái vốn. Cụ thể, đến thời điểm này đã công bố danh sách 137 DN đã cổ phần mà Nhà nước đang nắm giữ vốn tại DN, trong đó, có 103 DN sẽ bán 100% vốn mà Nhà nước đang nắm giữ.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, việc thoái vốn sẽ tiến hành tại 44 DN, trong đó có một số DN được nhà đầu tư quan tâm như các DN họ nhà Cenco, DN thuộc Tập đoàn cao su… Ngoài ra, một số DN đang được nhà đầu tư quan tâm như Vinamilk, Chính phủ sẽ công bố những công ty sẽ thoái vốn năm 2017 như Vinamilk, thêm 3,5% Sabeco, Habeco, Cụm cảng…
Nếu nhìn nhận ở góc độ chính sách sẽ thấy, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại cũng sẽ là nguồn hàng khá phong phú cho các nhà đầu tư. Sau khoảng 3,5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã mua được hơn 280 nghìn tỷ đồng, hơn 42 nghìn món nợ của hơn 50 tổ chức tín dụng có nợ xấu… Và việc xử lý tài sản đảm bảo và các tổ chức tín dụng có nợ xấu sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.
Để Việt Nam thu hút được cả các dòng vốn ở ngoài khu vực, Phó giám đốc cấp cao Trung tâm M&A toàn cầu, Kotra Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam nên có một chính sách tài chính về vốn và giám sát vốn sát thị trường hơn; phải thuyết phục được các nhà đầu tư về khả năng kiểm soát thị trường như lạm phát, nợ xấu; Cần phải tái cơ cấu cân bằng giữa các ngành hàng như đầu tư nhiều hơn và phát triển máy móc, công nghệ cao các nhà đầu tư ngành nghề thông minh sẽ mang nhiều giá trị hơn cho Việt Nam.