Lãi suất âm đang gây khó cho các ngân hàng
Hiệp hội Ngân hàng Nhật cảnh báo lãi suất âm | |
ECB có thể cần làm dịu tác động của lãi suất âm |
Thay đổi mô hình kinh doanh
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, Jesper Berg cho rằng, ngành công nghiệp ngân hàng đang tiến gần đến thời điểm phải thay đổi khi mà các ngân hàng ngày càng cảm thấy gánh nặng của chính sách lãi suất âm ở châu Âu.
Ngân hàng Trung ương Đan Mạch lần đầu tiên cắt giảm lãi suất chính sách của mình xuống dưới 0 vào năm 2012 để duy trì neo đồng krone với đồng euro. 7 năm sau, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy lãi suất sẽ được nâng lên mức dương.
ZIRP - Chính sách lãi suất bằng 0. ZIRP - Chính sách lãi suất âm |
Lãi suất âm đã bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng. Đầu tháng này, Jyske Bank là ngân hàng đầu tiên ở Đan Mạch tuyên bố sẽ bắt đầu tính phí với những người gửi tiền cá nhân gửi nhiều hơn 7,5 triệu krone (1,1 triệu USD). Nhưng ngân hàng lớn nhất của Đan Mạch, Danske Bank, cho biết họ không muốn làm điều tương tự.
Trong thế giới siêu thực mà trong đó lãi suất dưới 0, như Berg nói, các nhà điều hành ngân hàng châu Âu cần phải tìm ra những cách thức mới để kiếm tiền. Điều đó càng trở nên quan trọng nếu khách hàng phản ứng với lãi suất huy động âm bằng cách rút tiền của họ.
Nếu nhiều ngân hàng thương mại thực hiện chuyển chi phí lãi suất âm cho người gửi tiền có thể sẽ khiến người gửi tiền chuyển sang tích trữ tiền mặt. Điều đó cuối cùng càng gây thêm áp lực cho ngành tài chính, buộc các ngân hàng phải thu hẹp hoạt động. Berg cũng chỉ ra rằng chu kỳ kinh doanh ôn hòa hiện tại đã giúp giảm tổn thất cho vay, nhưng điều đó có thể thay đổi.
“Có những mối đe dọa ổn định tài chính đối với bất kỳ sự chuyển đổi đáng kể nào về cấu trúc của hệ thống”, ông nói qua điện thoại. “Nó cũng tương tự như những gì diễn ra ở bất kỳ ngành công nghiệp khác. Ngành dệt may cũng phải tự tái cấu trúc ở một số giai đoạn”.
Hiện Hiệp hội ngân hàng Đan Mạch đang đề nghị Ngân hàng Trung ương xem xét giảm bớt gánh nặng lãi suất âm cho ngành tài chính bằng cách mở rộng cơ sở tiền gửi, cho phép các nhà băng được dự trữ vượt mức với lãi suất 0%. Tuy nhiên Berg nói rằng ông không muốn tham gia vào cuộc tranh luận này vì chỉ có Ngân hàng Trung ương mới có thể đáp ứng mong muốn này.
Triển vọng xấu hơn
Trong một động thái liên quan, Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moodys hôm thứ Ba (27/8) đã hạ triển vọng đối với các ngân hàng đầu tư toàn cầu (GIB) từ “Tích cực” xuống “Ổn định”, với lý do chậm tăng trưởng và lãi suất thấp hơn hoặc âm.
Theo Moodys, các GIB này - bao gồm Goldman Sachs, J.P. Morgan, HSBC và Deutsche Bank - sẽ chứng kiến lợi nhuận chịu áp lực lớn hơn trong vòng 12 đến 18 tháng tới. Các định chế này cũng sẽ chứng kiến hoạt động của khách hàng yếu hơn do những bất ổn toàn cầu.
“Triển vọng “Ổn định” của các GIB phản ánh kỳ vọng của chúng tôi rằng lợi nhuận của GIB có thể đã đạt đỉnh trong chu kỳ kinh tế này”, Ana Arsov - Giám đốc điều hành tại Moodys cho biết trong nghiên cứu.
Hiện nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã đảo ngược chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất để thúc đẩy cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất thấp hơn sẽ hạn chế khả năng kiếm tiền của ngân hàng. Ngược lại lãi suất tăng sẽ tốt hơn đối với các ngân hàng vì nó cho phép các nhà băng cho vay với lãi suất có lợi nhuận.
Nghiên cứu của Moodys cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế chậm lại và nợ doanh nghiệp đứng ở mức cao có thể dẫn đến chi phí cao hơn cho các ngân hàng đầu tư. Mặc dù chính sách nới lỏng từ một Ngân hàng trung ương có thể hỗ trợ các điều kiện tài chính, nguy cơ giảm tốc mạnh hơn đã tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị đang có xu hướng leo thang và lan rộng như hiện nay.
Ngoài ra còn một rủi ro nữa là việc chênh lệch lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã có nhiều lần bị đảo ngược trong những tuần gần đây. Theo Moodys, điều đó được xem như dấu hiệu của một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Điều này là hoàn toàn có thể khi mà “các cuộc suy thoái bắt đầu vào các năm 1980, 1982, 1990, 2000 và 2007 tất cả đều xảy ra sau khi đường cong lợi suất bị đảo ngược trước đó”, Russ Mold - Giám đốc đầu tư của AJ Bell cho biết.
Đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra khi trái phiếu dài hạn có lợi suất thấp hơn so với trái phiếu ngắn hạn. Khi điều đó xảy ra, các doanh nghiệp sẽ phải tốn kém hơn để mở rộng hoạt động. Trong khi đó, vay tiêu dùng cũng có thể giảm, do đó dẫn đến chi tiêu ít hơn trong nền kinh tế. Tất cả những điều này có thể có nghĩa là một sự thu hẹp tiếp theo trong nền kinh tế và thất nghiệp gia tăng.