Lãi suất giảm và… hành động của chúng ta
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/11 | |
Giảm lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế |
Ảnh minh họa |
Cuối năm 2018, các chuyên gia đều dự báo lãi suất sẽ tăng. Nhưng sang năm 2019, với việc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang thì tình hình kinh tế thế giới đảo chiều nhanh chóng. Fed từ việc muốn tăng lãi suất đã đổi chiều thành giảm lãi suất.
Đến thời điểm này, Fed đã giảm lãi suất vài lần và từ đầu năm đến nay đã có trên 30 NHTW trên thế giới đã giảm lãi suất điều hành. Xu hướng chung toàn cầu hiện nay là nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm lãi suất. Việt Nam đang đi theo xu hướng thị trường quốc tế, chúng ta giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quyết sách của NHNN được đánh giá phù hợp với xu hướng của thị trường dù lâu nay điều hành CSTT vẫn theo đuổi đồng thời nhiều mục tiêu: chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Tháng 9/2019, NHNN quyết định giảm 0,25% các lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (quyết định số 1870/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 16/9).
Đặc biệt từ ngày 19/11, theo Quyết định số 2415/QĐ-NHNN, NHNN quy định giảm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ không kỳ hạn đến dưới 6 tháng. Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm (Quyết định số 2416/QĐ-NHNN) 0,5%/năm. Như vậy NHNN đã cắt giảm cả lãi suất đầu vào lẫn đầu ra.
Theo lý thuyết kinh tế, thông thường, khi chi phí vốn thấp sẽ kích thích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào thị trường nên sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển hơn. Đối với tỷ giá, thông thường lãi suất đồng tiền nào giảm mạnh thì giá của đồng tiền đó cũng sẽ giảm theo.
Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ giá USD/VND thời gian qua khá ổn định bởi nhiều yếu tố, trong đó một phần cũng nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế khá dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư, thu hút đầu tư nước ngoài tốt… VND được đánh giá là một trong những đồng tiền có giá trị ổn định nhất trong khu vực khi thị trường thế giới đã, đang có nhiều biến động như thời gian qua. Do đó, chuyên gia nhận định: Xu hướng lãi suất giảm tác động đến tỷ giá không lớn vì đặc điểm kinh tế vĩ mô, thị trường Việt Nam vẫn hỗ trợ tăng nguồn cung ngoại tệ trong thời gian tới.
Mục đích NHNN hướng đến là giảm mặt bằng lãi suất chung. Những điều chỉnh chính sách của NHNN đã có tác động tức thì đến lãi suất thị trường khi nhiều NHTM quyết định giảm lãi suất huy động và cho vay, áp dụng cả đối với các đối tượng không nằm trong quy định của NHNN: giảm lãi suất huy động cả kỳ hạn trên 6 tháng và giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên.
Chuyên gia nhận định: mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong năm 2020. Việc lãi suất giảm sẽ thúc đẩy doanh nghiệp vay thêm vốn đầu tư, nhưng trước mắt sẽ không phải là những khoản đầu tư dài hạn. Bởi thị trường thế giới đang có nhiều biến động phức tạp khiến rủi ro thị trường tăng. Và bản thân các NHTM còn đang trong lộ trình thực hiện cắt giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Hơn nữa, rủi ro tín dụng trong cho vay trung và dài hạn luôn cao; cộng với việc NHTM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tăng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng khiến tín dụng nói chung và tín dụng trung, dài hạn có xu hướng dần bị thu hẹp. Nhiều NHTM phát triển mạnh mảng bán lẻ với việc lấy khách hàng cá nhân, khách hàng là DNNVV làm trung tâm. Cạnh tranh trong mảng bán sẽ ngày càng khốc liệt khi NHTM phải kết hợp cả thương mại và tài chính, các hoạt động tài chính và phi tài chính để thu hút khách hàng.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng, một bộ phận người dân đã, đang có thu nhập cao. Mặt bằng lãi suất giảm sẽ khiến họ có nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả hơn gửi tiết kiệm. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các NHTM trong phát triển các sản phẩm đầu tư cho khách hàng cá nhân. Bởi sinh lợi cho tài sản đang nắm giữ là nhu cầu tất yếu của bất cứ ai, kể cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư.
Nếu ngân hàng không nhanh tay, không có nhiều sản phẩm đầu tư hấp dẫn hơn thì rất có thể, ngoài những kênh đầu tư nhiều rủi ro, thậm chí bất hợp pháp sẽ có người “điên rồ” chọn giầy thể thao để đầu tư như trào lưu mới xuất hiện trên thế giới gần đây.