Lãi suất huy động giảm nhiệt
Giải mã hiện tượng lãi suất huy động tăng | |
Lãi suất áp lực từ nhiều phía | |
Đầu năm gửi tiền ở đâu |
Thị trường không có áp lực tăng lãi suất
Sau khi VPBank, Sacombank, VietABank phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao kỳ hạn 5-7 năm, lãi suất cao nhất lên đến 9,2%/năm, một số phân tích cho rằng thanh khoản hệ thống NH không an toàn. Tuy nhiên, ghi nhận từ thị trường, chỉ sau một thời gian ngắn tăng nhẹ lãi suất huy động, một số NHTMCP (như MaritimeBank, DongABank, VietBank, VIB…) mấy ngày qua đã đột ngột đảo chiều giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm.
Giải thích cho động thái tăng lãi suất huy động khoảng hai tuần qua, lãnh đạo một số NHTM cho rằng nếu chỉ vin vào các nguyên nhân liên quan đến an toàn vốn và thanh khoản thì miễn cưỡng có thể chấp nhận ở một vài NHTM. Thực tế, từ đầu năm đến nay NHNN vẫn “bơm” và “hút” tiền rất nhịp nhàng qua các kênh cấp vốn.
Các NHTM thường niêm yết mức lãi suất cao nhất để thu hút sự chú ý của người gửi tiền |
Ngoài ra, hiện nay mặc dù một số NHTMCP đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi nhưng nhóm 4 NHTM lớn (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vẫn không có động thái gì. Theo ước tính, phần chênh giữa tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 và tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 20/2 là khoảng 65.000 tỷ đồng.
Số vốn dư thừa này chủ yếu nằm tại các NHTM có quy mô lớn nhất hệ thống nên nhóm này chưa chịu nhiều sức ép tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay trung dài hạn của nhóm NHTM lớn hiện ở mức 43,4 - 45,2%. Vì thế, chưa có đủ cơ sở và dấu hiệu để nhận định đang có sự lệch pha tín dụng ở cấp độ hệ thống.
Còn dư địa ổn định lãi suất
Theo phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS), xét chung cả hệ thống NH, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu năm 2017. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động khoảng 4,3% - 5,5%/năm, 6-12 tháng khoảng 5,3% - 7%/năm; 12 tháng trở lên khoảng 6,5% - 8%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay khá ổn định, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6% - 7%/năm đối với ngắn hạn và 9% - 10%/năm đối với trung và dài hạn. VCBS nhận định mặc dù dấu hiệu tăng lãi suất huy động ở một số ngân hàng nhưng NHNN vẫn còn nhiều dư địa để điều tiết thị trường và đảm bảo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, hiện nay với mức huy động kỳ ngắn hạn khoảng 4% - 4,5%, trung dài hạn 6,5% - 8%/năm thì lãi suất cho vay 5% - 7% (ngắn hạn) và 9% - 10%/năm (dài hạn) là hợp lý. Bởi với mức này người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương khoảng 2,5% - 3%, sau khi trừ đi lạm phát (giả định là 5%/năm) thì vẫn đảm bảo giá trị của đồng tiền.
Trong khi đó, xét ở phía các NHTM, ông Tín cho rằng margin lợi nhuận của các NH Việt Nam hiện nay được xem là thấp nhất ở khu vực châu Á. Nếu cộng cả các chi phí kinh doanh, hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro thì hầu như không còn khả năng để các TCTD tăng thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Chứng chỉ tiền gửi không phản ánh lãi suất tăng Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, trước hết phải hiểu việc các NHTM phát hành chứng chỉ tiền gửi là một hoạt động bình thường, một hình thức để huy động vốn. Thực tế trong thời gian qua một vài NHTM phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn mức hiện nay, có thể khẳng định là không phản ánh tín hiệu về lãi suất cũng như thanh khoản của hệ thống ngân hàng, do quy mô và tỷ trọng của các loại chứng chỉ tiền gửi này không lớn. Đặc biệt các loại chứng chỉ này, vừa qua các ngân hàng phát hành chủ yếu là loại chứng chỉ kỳ hạn dài (5-7 năm), nhằm huy động vốn trung dài hạn và cơ cấu nguồn vốn, sử dụng vốn cho hợp lý đảm bảo hiệu quả, cũng như đảm bảo thực hiện tốt các quy định của NHTW về an toàn trong hoạt động ngân hàng, do đó việc phát hành chứng chỉ tiền gửi vừa qua của một vài ngân hàng không ảnh hưởng và phản ánh tín hiệu thị trường hiện nay. Bên cạnh đó nếu phân tích đánh giá về tình hình huy động vốn trên địa bàn trong quý I/2017, bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các hình thức tiền gửi khác, tăng 4% so với cuối năm 2016 trong khi đó lãi suất tiền gửi tiết kiệm thời gian qua không đổi. Từ góc độ thị trường, lãi suất là yếu tố giá cả, vì vậy việc lãi suất tăng, giảm xét về mặt bản chất là bình thường. Song với chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ hiện nay, cùng với việc các NHTM đang thực hiện chương trình hành động Ngành (chương trình 1355/QĐ-NHNN), trong đó tập trung đổi mới mô hình giao dịch, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí đầu vào, sẽ là cơ sở, nền tảng vững chắc để giảm lãi suất cho vay, tôi tin lãi suất sẽ ổn định và tiếp tục ổn định trong thời gian tới, cùng với đó hệ thống ngân hàng tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động tái cơ cấu và xử lý nợ xấu; tôn trọng triệt để kỷ luật thị trường, theo đúng quy định và định hướng của NHTW về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, về lãi suất, tỷ giá như các giải pháp được NHTW đề ra trong chỉ thị 01, 02 và 03 ngay từ đầu năm. Đ.Hải ghi |