Lãi suất huy động neo cao
Lãi suất áp lực từ nhiều phía | |
Tìm hiểu lãi suất huy động tại các ngân hàng | |
Đầu năm gửi tiền ở đâu |
Thách thức lãi suất cho vay
Theo báo cáo tài chính tuần 2 tháng 3/2017 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lãi suất huy động đã tăng nhẹ trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, lãi suất bình quân ở kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 5,2%/năm, tăng 0,02% so với cuối năm 2016; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 6,29%/năm, tăng 0,1%; kỳ hạn 12 tháng là 7%/năm, tăng 0,05%.
Trong khi đó, ghi nhận thị trường trong những tháng đầu năm nay cho thấy, một số NH đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài như Eximbank tăng lãi suất kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng lên mức 8%/năm và khi gửi tiết kiệm online kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên được cộng thêm lãi suất thưởng 0,2%/năm, tức là 8,2%/năm so với lãi suất gửi tại quầy của NH này.
Lãi suất huy động đang tăng nhanh ở các kỳ hạn dài nhưng không thu hút nhiều người gửi tiền |
Tecchombank tăng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng từ mức 7%/năm lên mức 7,1%/năm. Ở các NH khác, lãi suất kỳ hạn dài cũng rất cạnh tranh. Lãi suất tiết kiệm online tại VPBank kỳ hạn 36 tháng với số tiền từ 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng là 7,7%/năm, từ 5 tỷ đồng trở lên là 7,8%/năm. VietABank áp dụng lãi suất tiết kiệm thông thường ở mức 7,8%/năm và tiết kiệm online là 7,9%/năm đối với khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên cho các kỳ hạn từ 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng tại NHTMCP Quốc Dân (NCB) ở mức 8%/năm…
Đặc biệt, trong quý I/2017 này, thị trường đã xuất hiện mức lãi suất siêu hấp dẫn khi các NH liên tiếp công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi. Chẳng hạn LienVietPostBank phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn bằng VND cho cá nhân và tổ chức kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng với lãi suất đến 8,8%/năm.
VietABank phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng với lãi suất 8,2%/năm cho khách hàng cá nhân. Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi VND cho khách hàng cá nhân và tổ chức, kỳ hạn 5 năm + 1 ngày hoặc 7 năm sẽ nhận được lãi suất 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm + 1 ngày và lãi suất lên đến 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm trong năm đầu tiên.
VPBank đang thu hút sự chú ý khi điều chỉnh biểu lãi suất chứng chỉ tiền gửi VND ghi danh cho khách hàng cá nhân. Theo đó, kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng áp dụng lãi suất từ 7,5%-7,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng áp dụng lãi suất từ 7,8%-8,1%/năm. Đối với kỳ hạn 60 tháng, mức tiền gửi dưới 100 triệu áp dụng lãi suất 8,9%/năm, từ 100 triệu đến dưới 500 triệu lãi suất 9%/năm, từ 500 triệu đến dưới 5 tỷ áp dụng mức 9,1%/năm, từ 5 tỷ đồng trở lên được hưởng lãi suất 9,2%/năm, đây là mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay.
Nhiều sức ép
Trước diễn biến lãi suất huy động tăng, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tăng trưởng tín dụng đang cho thấy những diễn biến tương đối tích cực so với các năm gần đây. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2017 đạt xấp xỉ 2% so với cuối năm ngoái. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục duy trì ổn định kể từ tháng 12/2014, trong đó tín dụng ngắn hạn chiếm 45% tổng dư nợ tín dụng, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55%.
Theo BVSC, do diễn biến tăng trưởng tín dụng khả quan trong khi thanh khoản hệ thống NH không quá dư thừa, mặt bằng lãi suất huy động cũng đã có sự nhích nhẹ tại khá nhiều NHTM, chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm NHTMCP có quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, lãi suất tăng còn do các NH đang cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017.
Ngoài ra, áp lực lạm phát tăng ngay trong 2 tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các NH phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi. Nhân tố chính là áp lực bên ngoài đến từ lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dự kiến sau quyết định tăng lãi suất ngày 16/3 (theo giờ Hà Nội), Fed sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và 3 lần nữa trong năm 2018.
Nếu trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, rất có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định. Theo đó, tỷ giá sẽ lại tiếp tục bị áp lực và nếu muốn ngăn điều này xảy ra, lãi suất VND phải ở mức đủ hấp dẫn để người gửi tiền vẫn nắm giữ VND bất chấp kỳ vọng biến động tỷ giá.
BVSC cho rằng, sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. Sức ép này có thể sẽ không quá lớn nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt và lộ trình tăng lãi suất của Fed vẫn đúng theo dự kiến, không có sự thay đổi quá lớn so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trước những diễn biến đầy thách thức của thị trường trong nước và thế giới, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho rằng, năm 2017, giảm lãi suất là mục tiêu rất thách thức nhưng nếu có thuận lợi từ bên ngoài thì vẫn có cơ hội. NHNN vẫn đang tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự báo các xu hướng chính của thị trường tài chính trong nước và trên thế giới để kịp thời đưa ra các chính sách ứng phó.
Bên cạnh đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng chỉ số CPI năm 2016 so với tháng 12 năm trước đó tăng gần 5% nhưng tính trung bình chưa đến 3%. Năm nay, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng CPI trung bình 4%, như vậy so với tháng 12 năm trước, chỉ số CPI ở khoảng 5-6%, với mức này sẽ khó giảm lãi suất.