Lãi suất khó có thể giảm
NHNN hút ròng trở lại sau 4 tuần bơm ròng, lãi suất liên ngân hàng giảm | |
HDBank ưu đãi lãi suất vay 6%/năm | |
Vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ |
Tính đến ngày 21/5, lãi suất chào bình quân trên thị trường liên ngân hàng (TTLNH) VND tăng nhẹ 0,01% ở các kỳ hạn ngắn là qua đêm và 1 tuần trong khi giảm 0,01 – 0,03% ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng so với phiên cuối tuần trước. Cụ thể, lãi suất qua đêm giao dịch ở mức 1,30%; 1 tuần là 1,40%...
Mặc dù lãi suất liên NH tăng nhẹ trong vài phiên gần đây nhưng về cơ bản theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), lãi suất VND bình quân liên NH các kỳ hạn ngắn đã giảm khá mạnh so với cuối tháng 4. Theo phân tích của BVSC: Diễn biến lãi suất trên TTLNH gắn với dòng chảy mua vào ngoại tệ liên tục và lượng lớn mà NHNN đã thực hiện suốt từ cuối 2017 đến nay, đi cùng với lượng lớn tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ. Cùng đó, dù có chuyển biến so với cùng kỳ năm 2017, Nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn thấp so với kế hoạch năm. Một lượng lớn tiền gửi ngân sách vẫn tiếp tục nằm trong hệ thống NH theo đó ảnh hưởng lớn tới thanh khoản hệ thống và lãi suất…
Các NH rất khó giảm lãi suất bởi áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm 2017 |
Bên cạnh đó, tính chung 4 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước (KBNN) mới phát hành thành công 46.463 tỷ đồng, tương đương 23,2% kế hoạch phát hành của cả năm 2018. Trong tuần qua, KBNN tổ chức đấu thầu TPCP ở 4 loại kỳ hạn dài 5 năm, 7 năm 10 năm và 15 năm. Tuy lãi suất TPCP trúng thầu tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp, như kỳ hạn 5 năm vẫn giao dịch ở mức 3%/năm; 10 năm lãi suất 4,23%...
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, lãi suất TPCP ở mức thấp trong suốt giai đoạn vừa qua cũng chính là yếu tố hỗ trợ cho việc ổn định mặt bằng lãi suất NH. Ngoài lãi suất TPCP thấp, TS. Võ Trí Thành cho rằng NHNN giữ thanh khoản thị trường dồi dào, lãi suất liên NH duy trì ở mức thấp hạn chế việc các NH phải tăng lãi suất huy động.
Có ý kiến cho rằng, khi lãi suất trên TTLNH và lãi suất TPCP giảm mạnh là những tín hiệu để lãi suất huy động giảm. Tuy nhiên TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng điều này lại khó diễn ra tại Việt Nam vì còn phụ thuộc lớn nhiều yếu tố như tiến độ xử lý nợ xấu, kiểm soát lạm phát vững chắc, kiểm soát tăng trưởng tín dụng…
Một yếu tố nữa tác động đến lãi suất đó là lãng phí từ việc chậm giải ngân đầu tư công. Nghịch lý mà vị chuyên gia này đưa ra: Lãi suất TPCP đang ở mức thấp nhưng NHTM không dám điều chỉnh giảm lãi suất huy động mạnh vì lo ngại đến khi Chính phủ huy động vốn trở lại cho các dự án lớn có thể lãi suất TPCP tăng trở lại. Khi đó các NH sẽ trở tay không kịp.
Yếu tố nữa cũng ảnh hưởng đến giảm lãi suất là tín dụng bất động sản, chứng khoán có dấu hiệu tăng nhanh do thị trường tài sản ấm lên. Và thường khi BĐS, chứng khoán tăng thì tiêu dùng tăng vì người ta kỳ vọng thu nhập sẽ cao nên mạnh tay hơn trong vay tiêu dùng, đầu tư… “Đấy là những yếu tố khiến cho việc giảm lãi suất rất khó dù mục tiêu này là cần thiết”, TS. Nghĩa nhận định.
TS. Cấn Văn Lực cũng khẳng định dù có điều kiện nhưng các NH rất khó giảm lãi suất bởi áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm 2017 nên sẽ gây áp lực lên lãi suất đầu vào và lãi suất cho vay có thể gặp khó khăn. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, chủ động hơn, nhằm giữ mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định.
Theo đánh giá của BVSC, thanh khoản hệ thống NH có thể sẽ bớt dư thừa hơn trong các tháng tới, kéo theo mặt bằng lãi suất liên NH tăng lên khi tín dụng tăng tốc mạnh hơn. Thực tế vừa qua đã có một số NHTM giảm lãi suất huy động từ 0,1% đến 0,3% nhưng không nhiều và chưa đủ để hình thành xu hướng giảm trên toàn thị trường.
Một nhân tố nữa được các chuyên gia lưu ý cần phải để mắt tới nữa là tỷ giá. Dù khó có biến động mạnh về tỷ giá, nhưng TS. Võ Trí Thành cho rằng vẫn còn có những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá như FED tăng lãi suất, đồng USD phục hồi mạnh mẽ khi chỉ số Dollar-Index tăng lên trên 92 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm 2018. Còn ở trong nước, nhập siêu đã quay trở lại. Nửa đầu tháng 5/2018, cả nước nhập siêu 1,37 tỷ USD, đưa thặng dư cán cân thương mại cả nước từ đầu năm đến hết 15/5 giảm xuống mức 2,52 tỷ USD từ mức 3,89 cuối tháng 4/2018.
“Mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức phù hợp với diễn biến chung của thị trường trong nước, quốc tế. Vì vậy, không nên gây áp lực để giảm lãi suất”, TS. Thành đưa ra quan điểm.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, sự cẩn trọng trên là phù hợp và không nên tạo áp lực giảm lãi suất đối với hệ thống NH. Ngoài yếu tố lạm phát, hiện tại nhiều yếu tố gây khó cho việc giảm lãi suất như: điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ, hàng hóa thiết yếu do Nhà nước quản lý; công cuộc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống NH đang diễn ra tích cực hơn nhưng không dễ dàng đạt được trong ngày một ngày hai (mà đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho việc giảm mặt bằng lãi suất)…
Chưa kể những cú sốc tài chính cũng như động thái chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới đang diễn biến phức tạp khó lường. Vì vậy, quan điểm của TS. Võ Trí Thành muốn giữ được mặt bằng lãi suất phải ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Đây là chìa khoá quan trọng đảm bảo thành công trong điều hành chính sách của NHNN. NHNN cũng đã linh hoạt trong điều hành chính sách từ lãi suất đến tín dụng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Nếu yêu cầu NHNN phải thực hiện điều này sẽ tạo gánh nặng đặt lên NHNN và ngành Ngân hàng. Tôi nghĩ những động thái chính sách của NHNN trong thời gian qua cho thấy, cơ quan này đang điều hành rất thận trọng.