Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm dù NHNN hút ròng 11.700 tỷ đồng
Hạ lãi suất, ổn tỷ giá: Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng | |
Cửa hẹp cho lãi suất | |
Bloomberg: VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất tại châu Á |
Công ty Chứng khoán Bảo việt cho biết như vậy trong bản tin Trái phiếu tuần số 41 (từ 23/10/2017 đến 27/10/2017).
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng (Nguồn: BVSC/Bloomberg) |
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng tuần qua có xu hướng giảm nhẹ đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, biên độ giảm ở mức 0,02%-0,16%. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,02% về mức 0,65%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,07% về mức 0,82%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,16% về mức 1,05%/năm.
Trong khi mặc dù tuần qua, thị trường OMO tiếp tục trầm lắng khi không có hoạt động bơm mới cũng như không có lượng đáo hạn qua kênh này.
Tuy nhiên qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 36.999,9 tỷ đồng tín phiếu mới trong khi lượng vốn đáo hạn trong tuần là 25.300 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã hút ròng 11.699,9 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã hút ròng 11.699,9 tỷ đồng từ thị trường.
“Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống hiện đang ở mức dư thừa”, BVSC cho biết.
Một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc NHNN mua vào 6 tỷ USD trong những tháng đầu năm để nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lực mới 45 tỷ USD cũng đồng nghĩa có khoảng 136.300 tỷ đồng đã được bơm ra thị trường.
Đó là lý do thanh khoản của hệ thống dư thừa và lý giải cho việc NHNN tiếp tục hút ròng tiền về cho dù thông thường giai đoạn này những năm trước, NHNN thường phải hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD.
Việc duy trì thanh khoản của hệ thống dư thừa một cách hợp lý, theo vị chuyên gia trên, chẳng những giúp cho các TCTD đáp ứng như cầu tín dụng thường tăng cao trong những tháng cuối năm đẩy mạnh, mà còn tạo điều kiện cho các TCTD giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Đặc biệt, nó cũng không tạo áp lực đến lạm phát
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2016 và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân khiến CPI tháng 10 tăng chủ yếu do trong tháng có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đẩy nhóm trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,14% (tác động làm CPI tăng khoảng 0,11%). Bên cạnh đó do tác động của các đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 9.
Trong khi lạm phát cơ bản tháng 10/2017 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.