Lãi suất phụ thuộc lựa chọn mục tiêu
Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại một phần do tín dụng được đẩy mạnh | |
Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng nhẹ lãi suất huy động | |
Nếu không điều hành linh hoạt thì lãi suất cho vay đã tăng |
Ông Võ Trí Thành |
Gần đây một số NH rục rịch tăng lãi suất huy động. Lãi suất trên thị trường liên NH cũng tăng nhẹ. Vì sao lãi suất NH tăng? Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia Võ Trí Thành để biết rõ hơn căn nguyên của xu hướng này.
Theo ông đâu là nguyên nhân khiến lãi suất tăng?
Diễn biến lãi suất NH tăng không nằm ngoài dự đoán của tôi và nhiều ý kiến khác. Từ cuối năm ngoái đã có nhiều nhận định về xu hướng lãi suất NH năm nay khó giảm mạnh mà có thể tăng nhẹ bởi rất nhiều lý do. Đó là sức ép lên lãi suất đồng USD và tỷ giá khi Trung Quốc và một số đối tác phá giá, khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất… Yếu tố nữa, lợi tức giữa các tài sản tài chính, cụ thể là giữa việc gửi tiền tiết kiệm VND với đầu tư cổ phiếu, BĐS…
Thị trường BĐS đang ấm dần lên, thị trường cổ phiếu vẫn nhiều cơ hội đầu tư, cho nên nếu không muốn dòng tiền dịch chuyển mạnh vào các kênh đầu tư tài chính này NH phải tăng lãi suất để giữ tiền. Vấn đề được nhắc đến rất nhiều gây khó khăn cho việc giữ lãi suất đó là tăng phát hành trái phiếu của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách khó khăn mà nhu cầu đầu tư công vẫn cao.
Để huy động được đương nhiên lãi suất phải ở mức tương đối hấp dẫn. Và lý do nữa tác động đến lãi suất là việc các NH chủ động phòng bị trước khi NHNN yêu cầu khắt khe hơn về quy định sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài. Do vậy, như bạn biết, có một thời gian các NH tăng lãi suất huy động, nhất là ở kỳ hạn trên 1 năm nhằm cân đối lại nguồn vốn ngắn hạn và trung dài hạn để phù hợp với quy định của NHNN cũng như giữ ổn định thanh khoản NH.
Bên cạnh những nguyên nhân nền tảng căn bản ban đầu, đến thời điểm này, lãi suất lại chịu thêm tác động từ xu hướng lạm phát cao hơn năm ngoái và diễn biến của Brexit. Tỷ giá, giá trị đồng tiền của nhiều nước đối tác của Việt Nam giảm giá so với đồng USD khi Brexit xảy ra cũng đang gây áp lực lên tỷ giá.
Đặc biệt, những ngày gần đây, vàng biến động mạnh, làm cho nhiều người đắn đo, thậm chí rút tiền để đi mua vàng. Điều này ít nhiều tạo áp lực lên lãi suất. Chỉ có một yếu tố chưa tạo áp lực tăng lãi suất đó là FED chần chừ việc tăng lãi suất. Nhưng nhìn tổng thể, trong thời gian tới lãi suất đang chịu khá nhiều áp lực.
Vậy chúng ta nên ứng xử với lãi suất thế nào cho phù hợp với mục tiêu của Chính phủ và NHNN, thưa ông?
Chúng ta đều biết Chính phủ cũng như NHNN đang muốn ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Song, trong bối cảnh hiện nay, vĩ mô ổn định chưa thực sự chắc chắn nên không thể rời bỏ mục tiêu này. Bài toán đặt ra ở đây là chúng ta phải cân đối giữa ổn định với tăng trưởng. Vì tăng trưởng gắn với tín dụng.
Như thế, NHNN phải tăng cung tiền chắc chắn tạo áp lực thêm lên lạm phát và lãi suất cũng sẽ “đắt” hơn. Trong chừng mực nhất định, tôi cho rằng, duy trì chính sách ổn định là một cách giữ lãi suất, lạm phát không tăng mạnh.
Vấn đề nữa, đó là phối hợp chính sách liên quan đến thị trường trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, mà cụ thể ở đây là câu chuyện phối hợp với Bộ Tài chính. Theo tôi, hai bên cần có sự phối hợp bài bản, căn cơ hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách đầu tư công có kế hoạch dài hơi hơn, kéo theo đó ngân sách cũng phải có cái nhìn trung hạn.
Một cách ứng xử nữa có thể lựa chọn trong trường hợp cần thiết là sử dụng công cụ tiền tệ như tái chiết khấu, tái cấp vốn… để hỗ trợ cho lãi suất không tăng. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh chúng ta chỉ sử dụng khi cần thiết và không được lạm dụng những công cụ này.
Xin cảm ơn ông!