Lãi suất vay tiêu dùng trên đà giảm
Khoản vay tín chấp lãi suất cao
Vietcombank, một NH dẫn đầu trên thị trường thẻ, vừa có quyết định giảm bình quân 3-6%/năm lãi suất ở hầu hết các loại thẻ tín dụng – một hình thức cấp tín dụng chứng minh bằng dòng tiền thu nhập hàng tháng của người tiêu dùng. Theo đó, mức lãi suất đối với những khoản vay qua thẻ từ ngày 1/8 đối với thẻ chuẩn còn 17%/năm, thẻ vàng còn 15%/năm, thẻ bạch kim còn 10%/năm. Tuy nhiên một số NHTM vẫn có mức lãi suất tiêu dùng ở mức cao đối với cho vay phát hành qua thẻ.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, sẽ có một làn sóng giảm lãi suất mạnh ở khu vực cho vay tiêu dùng qua thẻ, khi mà đối tượng người vay qua hình thức này đến nay chủ yếu nằm ở khu vực đô thị có hệ thống bán lẻ liên kết với các hình thức tín dụng tiêu dùng qua thẻ, trực tiếp tại điểm bán...
Người vay tiêu dùng cần đọc kỹ các điều khoản trả vốn và lãi |
Trước đó, các công ty tài chính tiêu dùng cũng đã giảm lãi suất các khoản vay trả góp mua xe máy, hàng điện tử, điện máy, điện thoại di động… qua hình thức cho vay tại điểm bán lẻ hàng hóa.
Trong đó, đáng kể nhất là thương hiệu Home Credit đưa lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức từ 1,66%/tháng. Trong năm qua, lãi suất của công ty này cho các sản phẩm khác nhau cũng đã giảm so với trước đó. Bên cạnh đó, công ty còn có những ưu đãi cho khách hàng như sản phẩm “Quà tặng thanh toán” được miễn phí cả gốc và lãi từ 1 đến 2 kỳ thanh toán cuối nếu trả đúng hạn.
Lãi suất cho vay tiêu dùng tại điểm bán của các công ty tài chính tiêu dùng thường được cho là cao hơn lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng của các NHTM. Nguyên nhân là do các công ty tài chính không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư như các NHTM nên giá vốn bao giờ cũng cao hơn giá vốn đầu vào của các NH. Công ty tài chính hiện chỉ được huy động vốn qua tổ chức kinh tế bằng hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi, các loại giấy tờ có giá (kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu).
Bà Vương Thủy Tiên, Phó chủ tịch HĐTV Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam cho biết, những khoản vay tiêu dùng của các công ty tài chính đều được xử lý nhanh gọn, giá trị khoản vay rất nhỏ (có khi chỉ vài triệu đồng) và kỳ hạn ngắn, trong khi người vay không cần chứng minh thu nhập như vay vốn qua thẻ tín dụng.
“Chúng tôi có chương trình hoàn trả vốn vay và miễn lãi, phí nếu người tiêu dùng chuyển sang mua thẳng món hàng trong vòng 14 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Người vay có thể tận dụng những ưu đãi này để có lợi cho mình” – bà Tiên nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện chỉ có 5 nhóm lĩnh vực ưu tiêu có quy định trần lãi suất cho vay, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp phụ trợ, DN sử dụng thiết bị có hàm lượng công nghệ cao. Còn tất cả các quan hệ vay mượn theo quy định hiện hành đều thực hiện dưới dạng lãi suất thỏa thuận.
Do tính chất hoạt động của các công ty tài chính nên lãi suất của các công ty này thường cao hơn cho vay có thế chấp của các NHTM. Tuy nhiên, đối tượng vay của các công ty tài chính lại thường không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn ở NHTM.
3 lưu ý cho người vay tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận là nhằm tạo điều kiện cho các NHTM và công ty tài chính nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh để mở rộng dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mở rộng tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tiêu dùng để khuyến khích sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm do sức mua yếu thời gian qua, thì yếu tố đòn bẩy tín dụng tiêu dùng sẽ góp một phần nâng sức mua trên thị trường để giải tỏa hàng hóa. Với một đất nước có đến 90 triệu dân như Việt Nam, sản phẩm dịch vụ tài chính cho tiêu dùng vẫn còn ít thì tín dụng tiêu dùng chính là cơ hội cho cả người triển khai sản phẩm và người tiêu dùng.
Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến cuối tháng 7/2015 vào khoảng 40.000 tỷ đồng, tương đương với tổng dư nợ tín dụng của một số tỉnh thành. NHNN chỉ quy định các NHTM và công ty tài chính xử lý nợ xấu hay xử lý nợ quá hạn về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. NHNN khống chế các NH và phi NH về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ quá hạn, không quy định văn hóa thu hồi nợ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh khuyến nghị người dân vay tiêu dùng cần lưu ý 3 nội dung sau: Thứ nhất, phương thức trả nợ bao gồm cả vốn gốc và lãi vay hiện có 2 hình thức cho vay: có tài sản thế chấp và tín chấp. Vay tín chấp thường đơn giản nhưng lãi suất cao hơn vay có tài sản đảm bảo, nên người vay phải quan tâm đến các điều khoản hợp đồng liên quan đến phương thức trả nợ.
Thứ hai, người vay vốn tiêu dùng ở các NHTM và công ty tài chính cần yêu cầu các chuyên viên tư vấn thật kỹ về thời gian thay đổi khoản vay, cách tính lãi suất năm đầu và những năm tiếp theo.
Thứ ba, người vay vốn nên quan tâm về cơ chế, hiện nay nếu vay cùng lúc 3 khoản vay ở các NHTM và công ty tài chính khác nhau, mà trong đó có một khoản vay ở một TCTD nào đó quá hạn thì những món vay còn lại cũng bị hệ thống công nghệ thông tin chuyển sang nợ quá hạn. Do đó người vay mà để quá hạn một khoản vay thì sẽ bị áp lãi suất rất cao và rất khó vay tiếp ở những TCTD khác. Hệ thống thông tin tín dụng ghi nhận 5 năm sau mới xóa lịch sử nợ xấu của một khách hàng đã rơi vào tình trạng nợ quá hạn ở một TCTD nào đó nên tốt nhất là không để có nợ quá hạn, ông Minh nói.