Lâm Đồng giảm nghèo từ tín dụng chính sách
Giảm nghèo bền vững tại Ninh Bình | |
Hơn 1,4 triệu lượt hộ nghèo Hà Nội được vay vốn ưu đãi | |
Chuyện “ba không” ở xã Vĩnh Đồng | |
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Quế Phong |
Từ núi rừng đại ngàn Tây Nguyên, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Thanh Lân cho biết, hiện nay, chi nhánh đã hoàn thành mọi chỉ tiêu, kế hoạch năm 2016 do Trung ương và địa phương giao, trong đó thành tích nổi bật là huy động, tăng trưởng được nguồn vốn, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Vườn ươm cây giống trong nhà kính của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quyền cho thu nhập cao |
Đến nay, sau hơn 14 năm hoạt động, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đạt trên 2.572 tỷ đồng với 13 chương trình tín dụng đang tham gia trực tiếp vào công cuộc giảm nghèo trên khắp vùng Tây Nguyên hùng vĩ. Đây thực sự là người bạn đồng hành tin cậy nhất của người nghèo và các đối tượng chính sách bởi đã giúp đỡ, thúc đẩy họ vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh từ 12,6% năm 2011 xuống dưới 1,9% vào cuối năm nay.
Cụ thể, tại huyện Đức Trọng đã có gần 11.700 lượt khách hàng được thụ hưởng trên 263 tỷ đồng của NHCSXH. Nguồn vốn chính sách hỗ trợ đúng lúc cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất mở rộng các loại hình sản xuất hàng hóa...
Nhiều hộ nghèo ở xã Hiệp An, cách TP Đà Lạt 30km đã sử dụng đồng vốn vay ưu đãi chuyển đổi thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu. Đơn cử như người cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Quyền ở thôn Trung Nghĩa nhờ được vay vốn chính sách từ chương trình tín dụng hộ nghèo 50 triệu đồng và 12 triệu đồng chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã tiến hành đầu tư và tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tổng hợp.
Được biết, gia đình ông Quyền đã sử dụng số tiền ưu đãi chọn mua cây giống mới, chất lượng cao để canh tác vườn rau, củ, quả, làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi bò thịt, bò sữa, khoan giếng, lắp máy bơm để lấy nước tưới cho cây trồng, vật nuôi. Năm tháng trôi đi, vốn chính sách và công sức lao động đã giúp gia đình người CCB thoát nhanh nghèo khó.
“Tạm tính từ đầu năm 2016 đến nay, gia đình tôi thu hoạch từ vườn ươm cây giống trong nhà kính, đồi trồng các loại rau xanh, quả tươi và chuồng nuôi bò sữa... được khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động trong thôn được hưởng mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng/người”, ông Quyền thông tin.
Nguồn vốn chính sách đã giúp cho các hộ gia đình ở xã Hiệp An chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, vật nuôi |
Ông Trương Quang Tùng, Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết, toàn xã đã có hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận 230 tỷ đồng thuộc 10 chương trình tín dụng của NHCSXH. Trong đó chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn mức dư nợ cao nhất trên 10 tỷ đồng với trên 420 hộ vay. Nguồn vốn chính sách đã giúp cho xã chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,6% xuống còn 1,7% trong vòng 3 năm gần đây, nhất là tạo cơ hội cho nhiều gia đình vượt khó làm giàu như trường hợp người CCB Nguyễn Ngọc Quyền hay các hội viên nông dân Đặng Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Tuyết, Trần Văn Ngự...
Khác với Hiệp An, Đức Trọng, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương có đến 80% hộ gia đình là đồng bào DTTS, trước đây thuộc vùng đặc biệt khó khăn nhưng nhờ sự trợ lực của các Chương trình 30a, 134, 135 đặc biệt về nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, từ 18,28%/năm 2011 còn 3,65% và đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn thông tin: “Hiện cả xã còn dư nợ với NHCSXH 24,5 tỷ đồng với 1.075 hộ. Riêng Hội Nông dân xã đang nhận uỷ thác vốn chính sách hơn 12 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo chủ yếu gia đình dân tộc K’Ho chủ động đầu tư trồng cà phê, nuôi bò thịt.
Đơn cử bà Ka Sel ngụ thôn 4 đã sử dụng 40 triệu đồng vay của chương trình tín dụng hộ nghèo đầu tư nuôi bò sinh sản. Do việc vay vốn kịp thời, sử dụng vốn vay có kế hoạch cộng với công chăm sóc của mọi người trong gia đình, công việc chăn nuôi suôn sẻ, nay đang có 3 con bò và 2 con bê.
Điều đáng khen ngợi là gia đình bà Ka Sel tất cả các thành viên trong gia đình đều chịu khó lao động, cùng dành dụm góm góp tiền vào một mối gửi tiết kiệm mỗi tháng được 2 triệu đồng để vừa chủ động trả lãi đầy đủ, vừa để trả nợ gốc đúng hạn.
“Tôi đã may mắn được địa phương với ngân hàng giúp đỡ trong lúc nghèo khó, thiếu vốn sản xuất, nên sẽ cố gắng làm lụng, phát triển kinh tế gia đình và tiết kiệm sớm trả hết vốn vay đúng kỳ hạn”, bà Ka Sel chia sẻ.
Phát huy những thành tích đạt được trong năm 2016, vượt qua một số khó khăn tồn tại, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng thời gian tới tiếp tục phối hợp cùng các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh cho vay vốn ưu đãi đến tận các đối tượng được thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vùng dân tộc miền núi tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước, đóng góp thiết thực thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững ở vùng đất Tây Nguyên.