Linh hoạt đổi nợ cho vay tàu cá
Những điểm sáng của “Sáu bảy” | |
Hạ thuỷ tàu cá hiện đại nhất tại Huế | |
Bình Thuận xin đóng mới thêm 50 tàu cá theo Nghị định 67 |
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 17/2018 sửa đổi Nghị định 67/2014 về cho vay phát triển thủy sản, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư 12/2018 sửa đổi Thông tư 22/2014 nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định 17 và tiếp tục điều kiện thuận lợi cho các NHTM thực hiện cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá.
Một trong những điểm mới được bổ sung trong Thông tư 12/2018 là quy định cho phép các NHTM được thực hiện chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu (cũ) không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án hoặc chủ tàu (cũ) đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, NHNN cho phép các NHTM được chuyển giao khoản nợ của chủ tàu cũ cho chủ tàu mới với điều kiện khoản nợ được bàn giao bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng. Sau khi nhận bàn giao khoản nợ của chủ tàu cũ, chủ tàu mới sẽ được các NHTM tiếp tục ký hợp đồng tín dụng và hỗ trợ lãi suất vay theo Nghị định 67 để thực hiện dự án đóng mới tàu cá mà chủ tàu cũ đang thực hiện dang dở.
Theo nhận định của ông Phạm Văn Trịnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Bình Thuận, việc bổ sung các quy định cho phép các NHTM được chuyển đổi chủ tàu như thông tư mới của NHNN là rất phù hợp với thực tế. Bởi hiện nay, sau 4 năm thực hiện cho vay theo Nghị định 67 tại một số địa phương đã phát sinh trường hợp các chủ tàu đã vay vốn nhưng vì nhiều lý do không thể tiếp tục dự án đóng tàu hoặc không còn đủ điều kiện để khai thác hải sản.
“Tại Bình Thuận thì mới chỉ phát sinh một trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới tàu cá. Các dự án cho vay đóng tàu vỏ gỗ thì cũng ít phát sinh nợ xấu nhưng các dự án tàu vỏ thép và vỏ vật liệu mới thì do khâu định giá, tính toán năng lực trả nợ khá phức tạp nên ở một số nơi đã phát sinh nợ xấu trong quá trình cho vay”, ông Trịnh nói.
Thực tế, theo thống kê của NHNN tính đến cuối năm 2017 trong số hơn 1.000 hợp đồng tín dụng cho vay theo Nghị định 67 đã được các NHTM ký kết cho vay (với tổng số tiền cam kết khoảng 10.500 tỷ đồng) thì đã phát sinh 50 khoản vay bị quá thời hạn trả nợ. Trong đó có 16 khoản vay đã bị chuyển sang nợ xấu với tổng nợ khoảng 203 tỷ đồng. Nhiều trường hợp chủ tàu đã vay vốn nhưng hiện nay vì lý do khách quan như bị bệnh hoặc qua đời đã không thể tiếp tục dự án. Chính vì vậy cơ chế cho phép chuyển đổi chủ tàu sẽ giải quyết ngay được các nút thắt trong việc xử lý nợ đối với các khoản vay đang bị quá hạn. Từ đó giảm và hạn chế tỷ lệ nợ xấu phát sinh đối với hoạt động cho vay phát triển thủy sản.
Bên cạnh việc tháo gỡ nút thắt về chuyển nhượng tàu cá như kể trên, một điểm mới được bổ sung trong Nghị định 17/2018 cũng sẽ là điểm tựa rất tốt để các NHTM mạnh dạn cho vay đóng mới tàu cá trong thời gian tới, đó là quy định về chính sách hỗ trợ 1 lần. Cụ thể, từ tháng 3/2018 các dự án đóng mới tàu cá có công suất từ 800CV đến 1.000CV, được ngân sách hỗ trợ 1 lần 35% giá trị tàu đóng mới (không quá 6,7 tỷ đồng); các tàu cá có công suất 1.000CV trở lên, ngân sách sẽ hỗ trợ 35% giá trị con tàu (không quá 8 tỷ đồng/tàu).
Với mức đầu tư một con tàu vỏ thép trung bình 15-20 tỷ đồng, các NHTM cho rằng việc ngân sách hỗ trợ một lần tối đa 35% giá trị tàu cộng với việc hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên hàng năm và 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, thì độ rủi ro khi cho vay vốn đối với các dự án đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ là giảm đáng kể so với thực tế từ trước đến nay. Điều này cho thấy rằng, với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014 và Thông tư 22/2014 bằng các văn bản pháp lý mới, cả Chính phủ và NHNN đều đang có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay phát triển tàu cá, nhất là tập trung hỗ trợ hạ tầng phục vụ đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa bờ.