Lời giải nào cho bài toán nhân lực?
Nghịch lý nguồn nhân lực | |
Nhân lực đối mặt với hội nhập | |
Hội nhập và nỗi lo nguồn nhân lực |
Áp lực nguồn nhân lực
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong cuộc trò chuyện với báo giới gần đây đã chia sẻ rằng chỉ năm sau thôi – khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho phép luân chuyển lao động tự do giữa các nước trong khu vực – nhiều người Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ mất cơ hội việc làm vào tay những người lao động đến từ Thái Lan, Philippines hay thậm chí là từ Myanmar.
Lo lắng của ông Vinh không phải là thừa, thực tế nó đã được cảnh báo từ khá lâu rồi. Bởi lẽ tốc độ mở cửa của nền kinh tế, và những cam kết mở rộng về luân chuyển lao động trong khu vực được tự do hơn, đang tạo ra những áp lực rất lớn đối với hệ thống đào tạo nguồn nhân lực nước nhà.
Với gần 100 triệu dân, Việt Nam không thiếu nguồn nhân lực. Nhưng lại thiếu nguồn nhân lực được đào tạo tốt, một phần cũng là do hệ thống giáo dục đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong suốt những năm qua, thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo tốt trong nhiều lĩnh vực đã luôn là một trong những trở ngại lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời về chất lượng nguồn nhân lực thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa |
Có một nghịch lý rằng, trong khi nhiều doanh nghiệp luôn đối mặt với việc không tuyển đủ số lượng kỹ sư và kỹ thuật viên vào làm việc, tỷ lệ thất nghiệp của những người tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học hay thậm chí trên đại học là khá cao.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, cố vấn đầu tư phát triển của Tập đoàn Hoa Sen, với 35 năm kinh nghiệm làm việc của mình đã buồn bã nói rằng chương trình giáo dục đào tạo hiện tại đang “hụt hẫng, quá xa thực tiễn”.
Theo ông Trung, nhiều sinh viên ra trường gần như không có kỹ năng làm việc và phải mất rất nhiều thời gian để học hỏi lại. Nhận định trên cũng nhận được sự đồng tình từ PGS. Nguyễn Mạnh Quân, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tất nhiên, khi kỹ năng làm việc đã yếu thì năng suất lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN. Thực tế thì năng suất lao động của Việt Nam chỉ hơn được có Myanmar và Campuchia trong khu vực.
Trong 3 năm từ 2011 đến 2013, tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm của Việt Nam chỉ hơn 3%, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là năng suất lao động còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia.
Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của năng suất lao động sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa. Nếu duy trì năng suất lao động này thì 50 năm nữa Việt Nam mới bằng Thái Lan bây giờ. Nhưng nếu tăng gấp đôi năng suất lao động thì con số này hạ xuống 13-14 năm.
Chỉ cần nhìn vào những con số đó đã thấy thách thức phía trước của Việt Nam lớn thế nào. Cho dù một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong năm 2015 đã được ký kết hoặc kết thúc đàm phán, thì chỉ vậy thôi cũng khó có thể giúp Việt Nam phát triển được những ngành sản xuất có ứng dụng công nghệ cao như mục tiêu của Chính phủ.
Vai trò của doanh nghiệp
Trong bối cảnh như vậy, một số doanh nghiệp đã phải đưa ra những chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học và cao đẳng. Samsung Electronics Việt Nam là một ví dụ.
Công ty này đã liên kết với một số trường đại học và cao đẳng, tập trung xây dựng các chương trình đào tạo đa dạng, không chỉ cho nhân viên mới mà còn dành cho toàn bộ đội ngũ nhân viên ở mọi cấp bậc trong suốt quá trình làm việc tại công ty. Nội dung đào tạo cũng hướng đến việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, đồng thời bắt nhịp với xu thế phát triển của xã hội.
Và kết quả là các chương trình đào tạo đó đã giải quyết được khó khăn về nguồn nhân lực mà Samsung gặp phải. Bằng chứng là Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, với hơn 33% số lượng điện thoại Samsung được sản xuất tại đây.
Thực tế thì không chỉ Samsung đang tham gia tích cực vào quá trình đào tạo nhân lực. Mitsubishi Heavy Industries cuối năm ngoái cũng đã hỗ trợ trường Đại học Điện lực Hà Nội cung cấp các chương trình đào tạo về điện hạt nhân cho sinh viên trong nước.
Còn Intel Products Việt Nam, công ty con của tập đoàn Intel tại Việt Nam, cũng đã tham gia tích cực vào việc đào tạo nhân lực khi cùng tham gia sáng lập chương trình liên kết đào tạo kỹ sư cao cấp tại Việt Nam. Cho đến nay, chương trình này cũng đã thu hút sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia khác như Siemens hay Danaher.
Nếu như mô hình liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường được mở rộng hơn nữa, thì người được lợi sẽ là cả hai phía. Ông Trung cho rằng doanh nghiệp sẽ tận dụng được nguồn lao động giá rẻ do sinh viên đến làm việc chủ yếu là với mục đích thực tập, thử việc, còn nhà trường sẽ tiết kiệm được chi phí xây dựng các phòng thí nghiệm và chương trình thực tế.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là vài ví dụ lẻ loi. Theo ông Quân, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào liên kết đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn ở mức khiêm tốn. Thậm chí, ông Quân còn cho rằng đào tạo sẽ còn khó khăn hơn nữa trong quá trình hội nhập sắp tới. Câu hỏi làm sao để sinh viên cạnh tranh được trên thị trường lao động, vì phần lớn thời gian chỉ được đào tạo ở trên lớp, vẫn còn là một câu hỏi lớn.
“Sinh viên chỉ có 3 tháng đi kiến tập ở doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không muốn đón sinh viên. Các trường có phòng thí nghiệm và phòng thực hành cho sinh viên, nhưng không có phòng thí nghiệm thực hành cho người đào tạo và nhà quản lý. Phòng này tốt nhất là ở doanh nghiệp, nhưng tiếc là doanh nghiệp cũng không nhận ra điều này”, ông Quân nói.