Hội nhập và nỗi lo nguồn nhân lực
Cạnh tranh nhân lực đang đến gần
Tuy nhiên, việc gia nhập những sân chơi lớn như vậy không chỉ mở ra cơ hội mà cả thách thức cho các DN trong nước. Trong đó, nổi lên là câu chuyện kỹ năng và năng suất của lao động Việt Nam đang xếp vào nhóm thấp nhất các nước ASEAN.
Chưa nói đến lúc TPP có hiệu lực, khi AEC hình thành sẽ có nhiều ngà̀nh nghề mà lao động được tự do di chuyển trong các ASEAN, thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương như: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, nhân viên ngành du lịch…
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành du lịch, DN và nhà trường cần phối hợp trong đào tạo |
Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thừa nhận, tốc độ hội nhập của Việt Nam về đào tạo nghề còn hạn chế. Thời điểm mở cửa thị trường lao động với các quốc gia ASEAN, lao động giá rẻ có lẽ không còn là một lợi thế. Khi đó, lao động phải được đào tạo, có kỹ năng tốt và kỷ luật lao động, hoặc sẽ không cạnh tranh được với lao động ở các nước chuyển dịch vào nước ta.
Đơn cử tại TP. Đà Nẵng, mặc dù chính quyền đã xác định phát triển theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, tuy nhiên cả thành phố hiện mới có khoảng 500 nghìn người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ có 52%, trong đó đã được đào tạo nghề là 44%.
Ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng thừa nhận, giáo trình dạy nghề chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu của DN, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo kịp với xu thế hội nhập...
Ngoài ra, sự đầu tư phát triển nâng cao chất lượng đối với những cơ sở đào tạo còn hạn chế, đầu tư đột phá đối với nguồn giáo viên dạy nghề giỏi có tầm cỡ chưa có; công tác xã hội hóa có triển khai nhưng còn không ít bất cập.
Bên cạnh đó, bất cập khác trong công tác đào tạo nghề là tâm lý chuộng làm thầy, ngại làm thợ vẫn còn tồn tại. Đại tá Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) cho biết, thực tế thị trường lao động trong nước đang dư thừa với các nghiệp vụ kế toán, kiểm toán và ngân hàng… nhưng lại thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật, lao động lành nghề và có ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Đừng để nước đến chân mới nhảy
Rõ ràng, nếu không chủ động chuẩn bị kỹ hành trang, trong đó có nguồn nhân lực để hội nhập, DN trong nước sẽ không cạnh tranh được với các DN trong khu vực, chứ chưa nói đến việc vươn ra thế giới. Nhận thức được vấn đề này, chính quyền các địa phương đang tích cực hỗ trợ DN, có phương án chuẩn bị, không để nước đến chân mới nhảy.
Xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng để tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án “Đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2020”. Đề án này nhằm đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu về đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên làm trực tiếp trong các ngành dịch vụ bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo; có năng lực thực hành nghề nghiệp hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn An, đây là giải pháp, bước đi quan trọng, thể hiện hướng đột phá, đón đầu của TP. Đà Nẵng; phục vụ yêu cầu phát triển của các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, thương mại, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, thương mại có thương hiệu trong khu vực.
Tán đồng với chủ trương của thành phố, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng giám đốc CTCP Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort) cho rằng, nhân lực cho Đà Nẵng nói chung và cho ngành du lịch nói riêng phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ, nếu không sẽ là quá muộn.
Bởi du lịch là ngành dịch vụ gắn liền với con người, DN du lịch trên địa bàn phải tự mình nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách với chất lượng cao, giá hợp lý...
Trước mắt, đón đầu để phục vụ tốt các sự kiện quan trọng sẽ được tổ chức ở địa phương như cuộc đua thuyền buồm quốc tế (Clipper Race), Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG 5), đặc biệt Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2017…
Tương tự, tại Công ty TNHH sản xuất và Thương mại BQ - DN chuyên kinh doanh, sản xuất mặt hàng da giày, một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại - ông Phan Hải, Giám đốc công ty cho biết, BQ đã có những bước chuẩn bị từ cách đây vài năm.
Đặc biệt, DN đã cử nhiều nhân viên đi đào tạo nâng cao cả ở trong và ngoài nước nhằm hướng đến một cuộc “thay máu” về nhân sự, tạo điều kiện cho lớp trẻ, những người năng động, sáng tạo, bắt kịp với xu thế hội nhập lên điều hành DN…
Cũng theo ông Hải, để có đội ngũ nhân lực tốt, các cơ sở đào tạo cần tăng cường hợp tác, liên kết với DN để tìm hiểu nhu cầu nhân lực; sử dụng chương trình đào tạo sát với yêu cầu thực tế. Trên cơ sở nhu cầu của DN, nhà trường đầu tư thêm trang thiết bị, đưa học sinh đi thực tập tại DN để bổ sung những kiến thức thực hành còn thiếu hụt trong quá trình đào tạo.