Lợi nhuận ngân hàng: Vẫn phải thắt lưng buộc bụng
Lợi nhuận ngân hàng đã tăng thực chất?
Đến thời điểm này đã có gần 20 NH công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015. Và lợi nhuận luôn là tâm điểm được soi trong báo cáo này. Điểm qua các NH có thể thấy những tín hiệu khả quan trong bức tranh lợi nhuận tổng thể của NH khi không chỉ các NH lớn đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận như Vietcombank đạt 3.040 tỷ đồng trước thuế, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước, các NH quy mô cỡ vừa và nhỏ đều có tăng trưởng khá tốt như Techcombank, TPBank, NamA Bank...
Mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan được Techcombank lý giải, chủ yếu là nhờ nỗ lực của việc đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, khách hàng DN thân thiết của NH. Qua đó, khai thác tối đa cơ hội kinh doanh cho các bên.
Ngoài ra, thời gian qua, NH chú trọng cải tiến công nghệ phát triển những sản phẩm, dịch vụ mới với lợi ích vượt trội cho khách hàng của mình. Kiểm soát tốt chi phí, cắt giảm chi phí dự phòng cũng là yếu tố giúp cho các NH như Techcombank, VIB tăng trưởng lợi nhuận tốt. Lợi nhuận trước thuế VIB cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014, đạt 283 tỷ đồng.
Để giữ được lợi nhuận các NH cần phải tăng lãi biên qua việc giảm thiểu chi phí vốn |
Một trong những nhân tố tác động tích cực đến lợi nhuận của các NH được lãnh đạo các NH chia sẻ đó là nhờ tăng trưởng tín dụng (TTTD) tăng khá tốt trong 6 tháng đầu năm (TTTD toàn hệ thống đạt trên 6%). Mà thu từ tín dụng vẫn mang lại tới 80 – 82% lợi nhuận cho NH. Vì thế, không có gì quá ngạc nhiên khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các NH có kết quả khả quan hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, bức tranh lợi nhuận NH trong 6 tháng vẫn chưa thực sự nói lên rằng hoạt động NH đang phát triển rất tốt. Vì thế, xen lẫn những NH đạt lợi nhuận khả quan thì với không ít NH để đạt được kế hoạch lợi nhuận năm nay là thách thức không nhỏ đối với họ.
Lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn thừa nhận, mục tiêu lớn trong năm nay của các NH không phải là lợi nhuận cao. Bởi, NH đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên mục tiêu quan trọng nhất của NH xử lý tốt nợ xấu, nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính lành mạnh hơn. Đó cũng là lý do mà trong 6 tháng đầu năm 2015, không ít lợi nhuận các NH không đạt như mong muốn do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) vì nợ xấu tăng.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, thay vì công bố lợi nhuận khủng như những năm trước, các NH đã dám nhìn thẳng vào sự thật là xác định đúng, đủ nợ xấu để trích lập DPRR một cách đầy đủ chính xác. Như một số NH lớn BIDV, Vietcombank đã phải trích chi phí dự phòng chiếm tới hơn 50% lợi nhuận của các NH…
Các chuyên gia NH nhận định, đây là tín hiệu tốt vì các NH không chạy theo thành tích để “làm đẹp” lòng các cổ đông. Có thể trước mắt các cổ đông thất vọng về NH, nhưng về lâu dài thì khoản DPRR là “gối đệm” rất cần thiết, quan trọng để giúp NH có thể chủ động đối phó với những rủi ro xảy ra.
“Nếu không có gối đệm đó NH không còn nguồn dự phòng nào để xử lý nợ xấu. Nên việc NH trích lập DPRR đầy đủ tạo gối đệm an toàn giúp NH chủ động ứng phó tình trạng nợ xấu, rủi ro trong tương lai. Điều này rất cần thiết nếu NH đó muốn tồn tại và phát triển”, TS Hiếu nhấn mạnh đến sự cần thiết tăng cường trích lập DPRR.
Theo nhận định của một số chuyên gia, sau những quy định chặt chẽ của NHNN như chỉ đạo của Thống đốc NH phải xử lý hết nợ xấu, trích lập DPRR đầy đủ mới được phép chia cổ tức nên các NH phải chấp hành nghiêm chỉnh, lợi nhuận của NH đang tăng thực chất hơn.
Lợi nhuận ngân hàng khó tăng mạnh
Thông thường tín dụng phát triển mạnh vào những tháng cuối năm, nhất là mới đây, nhiều NH đã được Thống đốc NHNN cho phép nới room tín dụng. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho NH trong việc có thêm dư địa mở rộng hoạt động cho vay, với kỳ vọng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận. Dẫu vậy, nguồn thu này cũng đang chịu khá nhiều áp lực trong thời gian tới.
Những biến động mạnh của kinh tế thế giới như đồng CNY giảm giá mạnh, NHNN điều chỉnh tỷ giá trong những ngày qua… là các yếu tố theo TS. Hiếu sẽ tác động đến nhiều DN Việt Nam. Mà DN gặp nhiều khó khăn thì NH không thể nào dễ thở được.
Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn bổ sung thêm: những khó khăn đối với NH muốn tìm kiếm lợi nhuận trong những tháng cuối năm đó là kinh tế chưa hồi phục; năng lực tài chính DN vẫn hạn chế, lãi suất, tỷ giá bấp bênh do tác động ngoại lai.
Đó là chưa kể dù chiếm vị trí quan trọng trong rổ lợi nhuận của NH, nhưng thu từ tín dụng đang có dấu hiệu giảm sút. Mặc dù so với năm ngoái tăng tín dụng khá tốt nhưng lãi thu về không tương xứng.
Nguyên do, lãi biên bị thu hẹp rất nhiều. Trước đây lãi biên ở mức 4-5% là chuyện bình thường, nhưng nay tỷ lệ này chỉ còn 3% thậm chí chỉ dưới 2%. Lãnh đạo một NH thừa nhận, dù NH tăng trưởng tín dụng khá tốt nhưng lãi thu về không cao. Có những khoản vay NH chấp nhận hòa vốn chỉ đủ bù đắp chi phí.
Trước thực tế trên, theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, lợi nhuận năm 2015 của các NH khó có thể tăng đột biến mà chỉ tăng 5 – 10% so với năm ngoái. Vì vậy, các NH vẫn phải thắt lưng buộc bụng chứ không thể mạnh tay trong chi tiêu của mình.
Lường đón những khó khăn, trao đổi với phóng viên, các NH cũng tỏ ra thận trọng và cho biết không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm mà sẽ tập trung hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, tiếp tục kiểm soát tốt chất lượng tín dụng hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh.
Dẫu còn khó khăn, nhưng tại thời điểm này, tín dụng vẫn là nguồn lợi nhuận chính của NH vì vậy, để giữ được lợi nhuận, TS. Hiếu cho rằng, các NH cần phải tăng lãi biên qua việc giảm thiểu chi phí vốn như cắt giảm chi phí marketing, khuyến mại; tăng cường đầu tư công nghệ thông tin để giảm chi phí lao động, hạ tầng cơ sở.
Đa dạng hóa nguồn vốn cũng là đề xuất của TS. Cấn Văn Lực để giúp NH có biên độ lãi suất hợp lý. Ngoài ra, để không bị DPRR ăn mòn lợi nhuận, các NH cần phải tiếp tục quản lý rủi ro tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đồng thời đa dạng hóa các dịch vụ để tăng thêm khoản thu phí như phí bảo lãnh bất động sản…